BVR&MT – Sáng 17-3, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0” do Tạp chí Người làm báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ, Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đây là một trong chuỗi các sự kiện của “Hội Báo toàn quốc năm 2018”.
Tham dự chương trình tọa đàm có các Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo và Nhà báo Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng thông tin Hội Nhà báo.
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tọa đàm là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội Báo toàn quốc năm 2018. Với tinh thần cởi mở, dân chủ và xây dựng, Ban Tổ chức mong muốn các đại biểu cùng tập trung thảo luận, góp ý kiến xung quanh vấn đề thuận lợi và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với công tác sản xuất báo chí, sự thay đổi cách tiếp nhận thông tin của độc giả… Cùng với đó là áp lực đổi mới công tác chỉ đạo của nhà quản lý báo chí trước sức ép của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đạo đức nhà báo trong bối cảnh phát triển kinh tế báo chí cũng như những bất cập trong đời sống báo chí hiện nay và giải pháp khắc phục.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện đại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.
Tiến sỹ Trần Quang Diệu, Giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Từ cách tiếp cận với các tờ báo in, phát thanh hay truyền hình truyền thống, thông qua công nghệ và các thiết bị thông minh, công chúng có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, chân thực hơn”.
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn và phát triển” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
Cũng trong buổi tọa đàm PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: dù lịch sử đào tạo báo chí của Khoa còn non trẻ nhưng cũng đã kịp thời bắt kịp với xu thế chung. Cụ thể, Khoa đã xây dựng chương trình, mời những chuyên gia báo chí đa phương tiện, chuyên gia đa nền tảng đến để giảng dạy cho sinh viên. Còn Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đầu tư hơn 65 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện đại, mời các chuyên gia báo chí trong và ngoài nước đến để cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình bộ môn.
Nhìn chung, hầu hết các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng 4.0 đã và đang có sự tác động trực tiếp đến giới truyền thông. Đồng thời có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên. Chính vì thế để có thể nắm bắt kịp thời với xu thế hiện đại này cần có những cuộc tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi giữa giới báo chí, các cơ quan quản lý báo chí và công chúng để có sự hiểu biết về những tác động của cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Qua đó nâng cao chất lượng của các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, nhà báo.
Tọa đàm là dịp để các cơ quan chỉ đạo, cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, cơ sở đào tạo báo chí, sinh viên có thể gặp gỡ, trao đổi, hiểu thêm về những tác động của cách mạng 40 đến báo chí ở nước ta. Đồng thời, tạo mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với các cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, sự thay đổi của báo chí ở nước ta.
Thạch Thảo