BVR&MT – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 681/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Xem thêm: Phát động cuộc thi: Viết về “Bảo vệ Rừng và Môi trường” lần thứ 3 năm 2019
Theo đó, Thủ tướng đã đưa ra 17 mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó đáng chú ý là các mục tiêu: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Đối với mục tiêu số 15: Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. Đến năm 2020, giảm cơ bản việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, đến năm 2030, tăng cường thực hiện quản lý bền vững các loại rừng, ngăn chặn chặt phá rừng, phục hồi rừng đã bị suy thoái, đẩy mạnh trồng và tái sinh rừng, đưa độ che phủ rừng lên khoảng 44 – 45 % trên toàn quốc.
Một số nội dung chính, đến năm 2020, xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, sử dụng chuẩn nghèo với mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 1,25 đô la Mỹ; đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
Mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm rằng tất cả những người học được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, lộ trình thực hiện được nêu rõ: Đến 2020, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên và tỷ lệ trường có chương trình giáo dục cơ bản về giới tính, phòng chống bạo lực, xâm hại, cung cấp kiến thức về HIV đến năm 2020 là 80%, đến năm 2025 tăng lên 90% và đến năm 2030 đạt 100%.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình đến năm 2030: Số máy ATM trên 100.000 người từ 15 tuổi trở lên đạt hơn 40; Tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của nữ giới còn bằng 1,3 lần so với nam giới; Tỷ lệ doanh nghiệp ít nhất một lần trong vòng 12 tháng liên hệ và đưa hối lộ cho cán bộ công quyền giảm xuống dưới 10%.
Văn Trì