BVR&MT – Ngày 6/6, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang”.
Tham dự có ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Chủ nhiệm đề tài; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giảm từ 43,65% năm 2016 xuống còn 18,54% cuối năm 2021 (bình quân giảm 4,19%/năm). Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh trong công cuộc giảm nghèo.
Tuy nhiên, kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 cho thấy, đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương chiếm 42,8%, hộ cận nghèo chiếm 13,04% số hộ trên toàn tỉnh. Nhiều xã, huyện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, nhất là 7 huyện vùng cao biên giới và huyện Bắc Mê… Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025, Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt Đề tài: Thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian nghe các ý kiến tham luận đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong thời gian tới như: Phương pháp truyền thông hiệu quả đối với công tác giảm nghèo bền vững; vai trò của giáo dục đào tạo đối với công tác giảm nghèo; tác động của hủ tục lạc hậu đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở Hà Giang; vai trò của sản phẩm OCOP trong giảm nghèo bền vững; thực hiện cơ chế, chính sách đối với công tác giảm nghèo bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực…
Tại đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế – Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày cơ sở lý luận về giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn; thực trạng tiếp cận giảm nghèo bền vững của người dân trên địa bàn; đánh giá nghèo đa chiều tại tỉnh Hà Giang.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên đề xuất một số giải pháp như: Tỉnh cần trang bị kiến thức nền tảng quản lý tài chính, quản lý kinh tế cho các hộ gia đình; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trước mắt nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu các hộ nghèo; xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; đầu tư phát triển nguồn nhân lực dài hạn…
Các ý kiến tại hội thảo đều kỳ vọng, mong muốn trong những năm tới để công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương đạt hiệu quả, Đảng bộ tỉnh Hà Giang cần rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế và phân vùng để có chính sách, giải pháp cụ thể; phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân để có các chính sách, giải pháp phù hợp với từng đối tượng; huy động các nguồn lực xã hội để giảm nghèo. Tỉnh cũng cần xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm để người nghèo, hộ nghèo có thể vươn lên thoát nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hộ nghèo.