BVR&MT – Đi đôi với phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, Mèo Vạc đề cao công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu ra việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu là vì chính bản thân mình, gia đình mình, dòng họ mình, từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện.
Chuyển biến từ một dòng họ
Ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, dòng họ Sùng (dân tộc Mông) có 63 hộ, 323 khẩu. Trưởng dòng họ là ông Sùng Chứ Mua, trước đây từng kinh qua các vị trí công tác như Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã.
Ông Mua cho biết, từ ngày thành lập dòng họ, các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin, kết nối tình cảm. Mọi công việc lớn của dòng họ như quy mô, cách thức giỗ tổ tiên ngày 30 Tết Nguyên đán hàng năm hay ngày Thanh minh 3/3 Âm lịch… đều đưa ra bàn bạc dân chủ, thống nhất rồi mới tổ chức thực hiện.
Trên cương vị là một cán bộ xã, đồng chí Sùng Thị Dợ – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lũng Chinh thông tin, dòng họ Sùng là một nguồn cung cấp đảng viên và cán bộ cho địa phương. Trong dòng họ Sùng hiện có 17 đảng viên chính thức, 7 đảng viên dự bị, 8 người tham gia làm cán bộ cấp xã, cấp huyện.
Trên cương vị là một người con của dòng họ Sùng, nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lũng Chinh rất tâm đắc về những chuyển biến của dòng họ trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu.
Đồng chí kể, trước đây, khi có đám cưới, nhà trai tổ chức một đoàn 13 người sang nhà gái, thống nhất tổ chức hôn lễ trong 3 ngày 3 đêm, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ rất rườm rà. Còn khi có đám tang, các gia đình làm lễ kéo dài tới 7 ngày, mổ 2-3 con bò, chưa tính gia súc, gia cầm khác, chi phí lên tới trên 100 triệu đồng đối với hộ giàu, hộ nghèo thì cũng tiêu tốn chừng 50 triệu. Sau đám tang người thân không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần hoặc tiếp tục là hộ nghèo.
Được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của các đảng viên, toàn thể dòng họ Sùng đã họp bàn, thống nhất nghi lễ đám ma dài nhất là 36 giờ, ngắn thì 12 giờ, chỉ mổ một con lợn và các hộ tự nấu. Nhờ đó, chi phí đám ma chỉ mất vài ba triệu đồng, giảm hàng chục lần so với trước đây. Đám cưới cũng tổ chức không quá một ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; con em trong dòng họ không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn. Thế nên trong dòng họ Sùng, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường thay vì một số em phải bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm khi vẫn đang còn là trẻ vị thành niên như trước kia.
Hiệu quả hoạt động tự quản của dòng họ Sùng đã gợi mở, tiếp thêm động lực để cấp ủy xã Lũng Chinh ra nghị quyết, chính quyền xây dựng kế hoạch nhân rộng ra dòng họ Giàng và dòng họ Thào trong năm 2022; tiến tới nhân rộng ra tất cả các dòng họ trong toàn xã, nhằm phát huy vai trò của các dòng họ trong việc quản lý an ninh trật tự và vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự gương mẫu của đảng viên
Mèo Vạc là huyện vùng cao, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Đồng bào các dân tộc trong huyện là chủ nhân của kho tàng văn hóa độc đáo, đặc sắc, song cũng tồn tại một số hủ tục lạc hậu.
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy, những hủ tục nổi lên là tình trạng tảo hôn, kéo vợ, thách cưới cao vẫn còn phổ biến. Tổ chức đám tang còn để dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, một số dòng họ chưa đưa người chết vào áo quan; một số hộ gia đình có người ốm không đưa đi khám chữa bệnh kịp thời mà mời thầy về cúng; còn tình trạng trọng nam khinh nữ; nhiều gia đình dân tộc thiểu số chưa có nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại gia súc vẫn còn gần nhà ở…
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy Hà Giang về thực hiện nếp sống văn minh gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề nhằm vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Nổi bật là Nghị quyết về hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ ba, Chương trình của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Đề án của Ban Thường vụ Huyện ủy về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2019 – 2022 và những năm tiếp theo…
Cấp ủy, chính quyền cơ sở được Huyện ủy yêu cầu tập trung chỉ đạo xóa bỏ các hủ tục lạc hậu theo từng thôn bản, từng dân tộc, dòng họ. Quá trình thực hiện không nóng vội mà phải làm từng bước, việc gì dễ làm trước, việc gì khó làm sau; các nội dung xóa bỏ các hủ tục lạc hậu phải được đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản.
Trong quá trình thực hiện, các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách địa bàn phải tiến hành theo dõi, đôn đốc. Tổ chức ký cam kết giữa cấp ủy với các chi bộ, chi bộ với đảng viên để triển khai thực hiện.
Định kỳ hàng tháng trong chương trình công tác, Đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức quán triệt đến các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ, các đoàn thể xã, bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, cán bộ, đảng viên nắm được để gương mẫu thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu mỗi đảng viên phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phân biệt rõ hiện tượng mê tín dị đoan với các tín ngưỡng, tôn giáo, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước thôn bản, tổ dân phố. Đảng viên vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và đưa nội dung này thành tiêu chí đánh giá công tác năm của cá nhân và tập thể chi bộ, đảng bộ.
Đi đôi với phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong xóa bỏ hủ tục lạc hậu, Huyện ủy Mèo Vạc đề cao công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân trên quan điểm để người dân hiểu ra rằng việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là vì chính bản thân mình, gia đình mình, dòng họ mình, từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội là hạt nhân thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền gắn với thực tế các hủ tục đã được nhận diện và đang còn tồn tại trong cộng đồng, đòi hỏi địa phương cần tập trung giải quyết.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình đang theo tà đạo, đạo lạ quay lại với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, ví dụ như cúng đêm 30, mùng một Tết, lễ cúng ngày mở năm mới của dân tộc Mông, lễ cúng ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy của dân tộc Tày, Nùng, Dao, Lô Lô, lễ mừng ngô mới…
Để phù hợp với văn hóa, nhận thức của người dân, công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức: tuyên truyền rộng rãi, tuyên truyền cá biệt, trên hệ thống loa truyền thanh không dây, loa di động, tuyên truyền tại các buổi chợ phiên; xây dựng các kịch bản tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, hình ảnh trực quan trên pa nô, áp phích khổ lớn, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội thảo, hội thi…
Từ kinh nghiệm của dòng họ Sùng, Mèo Vạc sẽ tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, bà cô trong công tác tuyên truyền vận động. Huyện sẽ tạo điều kiện cho người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, bà cô được tham gia góp ý xây dựng chương trình, kế hoạch xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở địa phương.
Bằng nhiều giải pháp, Mèo Vạc phấn đấu đến năm 2025, đạt mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người địa phương phát triển toàn diện, có môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, dần loại bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tinh thần của nhân dân, gắn với việc xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”./.