BVR&MT – Mặc dù “bà trùm” than lậu Yên Phước Châu Thị Mỹ Linh cùng đồng phạm đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra do có hành vi “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại mỏ than Minh Tiến, thuộc các xã: Na Mao, Minh Tiến và Phú Cường (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), tuy nhiên những hệ lụy còn hiển hiện khiến người dân địa phương vẫn ngày ngày sống trong sợ hãi, đặc biệt trong bối cảnh mùa mưa bão 2021 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Từ năm 2018, khi Mỏ than Minh Tiến thuộc Công ty Cổ phần Yên Phước bắt đầu đi vào hoạt động đã có những “lùm xùm” về việc nổ mìn, đổ thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương đã được Bảo vệ Rừng và Môi trường thông tin qua bài viết song chưa được giải quyết dứt điểm, thì đến nay lại thêm những “góc khuất” mới lộ diện sau khi Bộ Công an vào cuộc điều tra.
Sai phạm chưa qua
Theo giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh Thái Nguyên cấp năm 2014, thì Công ty CP Yên Phước được khai thác với trữ lượng 8.500 tấn/năm, thời hạn khai thác đến năm 2031, tổng trữ lượng được phép khai thác là 136.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2019, Công ty ký kết hợp đồng với đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương, cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến tại Mỏ than Minh Tiến, với khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng, thời gian khai thác trong 5 năm kể từ ngày ký. Như vậy, ngay từ khi ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh (Tổng Giám đốc Công ty CP Yên Phước) đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác gấp 47 lần công suất cho phép.
Theo đó, từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác sản lượng khoảng 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hằng năm, lượng than Công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.
Để qua mắt cơ quan chức năng, các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường với sản lượng hằng năm đúng bằng với số lượng được cấp phép khai thác. Phần còn lại, hàng triệu tấn than khai thác lậu được các đối tượng tổ chức tiêu thụ trái phép nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường. Theo số liệu điều tra ban đầu, số than khai thác lậu mà Công ty CP Yên Phước bán cho Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 1 triệu tấn, thu về số tiền trên 121 tỷ đồng.
Từ kết quả điều tra này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan đến đường dây khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến; đồng thời khởi tố và bắt tạm giam 12 bị can liên quan để điều tra, làm rõ những vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, đến thời điểm tháng 10/2021, khi phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường quay trở lại, người dân vùng mỏ vẫn chưa cảm thấy yên lòng bởi còn canh cánh nỗi niềm về những kiến nghị của mình chưa được giải quyết dứt điểm, có những nội dung Công ty CP Yên Phước đã cam kết làm mà chưa thực hiện xong.
Tại xã Na Mao, từ năm 2018 đến hết tháng 7/2021, Công ty đã hỗ trợ tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng cho các hộ dân có công trình xây dựng bị rạn nứt do nổ mìn và các hộ có diện tích lúa, hoa màu, chè bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác. Tuy nhiên theo ông Bùi Văn Soái, Bí thư xóm Ao Soi cho biết: “Đến nay vẫn còn một số hộ có diện tích ruộng, rừng bị ảnh hưởng chưa được nhận hỗ trợ, chưa được khắc phục diện tích đất không thể trồng cây. Tuyến kênh mương dẫn nước tưới cho cánh đồng xóm Ao Soi bị đất đá vùi lấp, Công ty hứa khôi phục hiện trạng nhưng chưa hoàn thiện”.
Với xã Phú Cường, Công ty đã hỗ trợ cho một số hộ dân nhưng còn 11 hộ khác bị ảnh hưởng diện tích lúa ở cánh đồng Đình, xóm Chiềng, cùng với 13 hộ dân sinh sống gần chân núi Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bụi than, Công ty cam kết sẽ trả trong tháng 8/2021 nhưng đến nay người dân chưa được hỗ trợ.
“Trước và sau khi mỏ than ngừng hoạt động vì vi phạm, nhân dân chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đề nghị lên chính quyền các cấp về những nguy hiểm đang rình rập tính mạng, cuộc sống của bà con nơi đây. Vậy nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào vào cuộc để giải quyết những vấn đề bức thiết này cho chúng tôi”, bà Triệu Thị Hoài (xóm Chiềng, xã Phú Cường) lo lắng chia sẻ.
Một số cam kết khác với địa phương cũng chưa được doanh nghiệp này thực hiện. Năm 2019, UBND xã Phú Cường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty CP Yên Phước xây dựng công trình, tập kết than ngoài diện tích được UBND tỉnh cho thuê. Vì thế, xã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty và ra Quyết định xử phạt 4.000.000 đồng; yêu cầu Công ty dừng ngay toàn bộ hoạt động đổ thải trên phạm vi đất vi phạm và trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng đến nay, Công ty mới chỉ nộp tiền phạt mà chưa khắc phục hậu quả và tiếp tục đổ thải trên phần diện tích lấn chiếm cho đến khi cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc.
Ngoài ra, tuyến đường từ trạm điện Na Mấn, thuộc xóm Chiềng nối với tuyến ĐT264 tại lý trình km7+790 thuộc địa bàn xóm Khuân Thông, xã Phú Cường đã được UBND tỉnh chấp thuận vị trí đấu nối và UBND xã Phú Cường đã hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, theo kế hoạch hoàn thành vào trung tuần tháng 7 nhưng đến nay chưa xong.
Tuyến đường có chiều dài trên 440 m, rộng 10 m, do nhân dân hiến đất với tổng diện tích gần 2.200 m², tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 3,2 tỷ đồng do Công ty CP Yên Phước cam kết đầu tư. Hiện, nhà thầu mới thực hiện việc đào vét đất hữu cơ, thi công xong 1 cống ngang đường và đổ đất lu đắp nền đường dang dở…
Không chỉ gây bụi bẩn, nứt nhà, Công ty còn ngang nhiên sử dụng đất vượt chỉ giới được Nhà nước cho thuê hơn 87.000 m², trong đó có hơn 6.000 m² đất công của xã Phú Cường; hơn 17.000 m² đất rừng sản xuất và trên 14.000 m² đất chưa sử dụng của xã Na Mao; gần 50.000 m² đất rừng sản xuất của người dân xã Na Mao. Trụ sở Văn phòng Công ty cũng được xây dựng trên diện tích nằm ngoài chỉ giới cho phép.
Thiên tai còn đó
Người dân và chính quyền địa phương cho biết, sau khi “bà trùm” bị khởi tố, mặc dù mỏ than đã dừng hoạt động nhưng cả núi đất thải và than tồn vẫn sừng sững ở đó, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa bão 2021 đang có nhiều diễn biến phức tạp, sau mỗi trận mưa đều kéo bùn, đá xuống diện tích đất sản xuất của bà con. Về lâu dài, diện tích ảnh hưởng sẽ ngày càng lan rộng và mức độ ảnh hưởng cũng sẽ nghiêm trọng hơn, bởi lâu ngày dầu và xít than sẽ ngấm xuống đất, không thể sản xuất được nữa. Chưa kể nguồn nước ở đây cũng sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi.
Nghiêm trọng hơn, khu vực khai thác lộ thiên của Công ty tại điểm H theo bản đồ thiết kế mỏ được cấp phép, qua quá trình khai thác đã bị khoét sâu vào lòng núi giống như một lòng chảo lớn (khoảng 1ha) ở độ cao khoảng 300m so với nền nhà dân. Khi trời mưa, đây sẽ trở thành hồ chứa nước lớn, xung quanh là bờ đất kết cấu ít bền chặt, khi lượng nước trong lòng moong dâng cao, các bờ đất này không thể chống đỡ nổ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, đe dọa tài sản và tính mạng của người dân.
Đặt chân đến xóm Ao Soi vào một buổi sáng sau trận mưa lớn đêm trước, ông Hầu Văn Quản (năm nay đã ngoài 60, người dân tộc Dao) tiếp chúng tôi với nét mặt khắc khổ, phảng phất tâm trạng đầy lo âu. Rót tạm chén trà lạnh mời khách khi vừa đón hai đứa cháu nhỏ đi học về, ông bồi hồi kể, gia đình tôi cùng đa số các hộ ở đây là người dân tộc thiểu số, xưa kia ở mạn Bắc Kạn, đến đời ông cha mới về mảnh đất này an cư lạc nghiệp. Những tưởng cuộc sống bình yên nơi núi cao rừng thẳm vốn là “đất lành” theo tập quán của người Dao chúng tôi, khi quanh năm chỉ sinh sống và làm lụng chan hòa với nương ruộng, cánh rừng. Ngờ đâu một ngày những chiếc máy xúc, máy ủi, xe tải kéo về đây thi nhau gầm rú, xúc than, xả bùn, làm lở đất đá khiến đời sống bà con bị đảo lộn, môi trường ô nhiễm, ruộng nương bị vùi lấp giờ cũng chẳng canh tác được. Nhiều hộ không làm ăn ở nhà được phải kéo nhau đi tha hương, tìm việc nơi đất khách quê người, khổ lắm.
“Mẹ tôi là Bàn Thị Ý, năm nay đã 90 tuổi, liệt nửa người chỉ nằm giường. Nhà lại nheo nhóc mấy đứa cháu nhỏ. Cứ hôm nào trời mưa to là cả nhà lại nơm nớp lo sợ. Không biết cái moong nước treo lơ lửng trên đầu kia nó có lở rồi cuốn trôi cả nhà đi không nữa. Ruộng nương cũng bị vùi lấp hết. Rồi đây mấy đứa nhỏ không biết sẽ sống thế nào”, ông Bàn xót xa nói.
Ở tình cảnh tương tự, hàng chục hộ dân xóm Chiềng, xã Phú Cường cũng đang khắc khoải từng ngày chờ đợi cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc giải quyết vấn đề liên quan trực tiếp đến an sinh của họ. Theo bà Triệu Thị Hoài, mỗi lần mưa lớn, nước từ bãi thải dốc xuống vùi lấp ruộng, ao, vườn không thể canh tác. Cách đây 3 năm, gia đình bà vay tiền ngân hàng đào ao, kè bờ thả cả nhưng chỉ sau vài trận mưa, ao cá lắng đầy bùn thải, giờ phải bỏ hoang. Không chỉ vậy, đất đá trên núi theo mưa cũng lở xuống khiến nhà dân dưới chân núi rung bần bật, bất an vô cùng.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết, hiện nay, tình trạng sụt lún, nứt đất, nứt nhà của các hộ dân gần khu vực mỏ vẫn ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi thực sự lo lắng. Ngoài 4 hộ dân ở sát chân núi đã được di dời đến nơi an toàn hiện còn nhiều hộ nằm trong phạm vi 500-700m tại xã Na Mao và Phú Cường phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.
“Nguyện vọng của người dân vùng mỏ ở đây là sau điều tra, xét xử các bị cáo, dù Mỏ than Minh Tiến có hoạt động trở lại hay không thì các cấp, ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt là có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang ngày đêm sống trong nơm nớp lo sợ gần chân núi”, ông Hồng bày tỏ.
Cũng theo ông Hồng, trước những nguy cơ tiềm ẩn đáng báo động, chính quyền xã Nam Mao đã làm văn bản báo cáo UBND huyện Đại Từ ngày 01/09/2021 (nghĩa là cách thời điểm hiện tại gần 02 tháng) để trình bày những bức thiết liên quan đến hệ lụy từ mỏ than Minh Tiến, đặc biệt là nguy cơ nhà ở của nhân dân bị vùi lấp do sạt lở do mưa bão 2021 đang đến gần, đề nghị huyện có quan tâm kịp thời để đưa ra biện pháp di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về người và của có thể xảy ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.
Để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân và chính quyền sở tại cấp xã, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Đại Từ và các cơ quan chức năng để tìm hiểu công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác tại mỏ than Minh Tiến khi mùa mưa bão đang có những diễn biến khó lường. Tuy nhiên đã nửa tháng trôi qua cơ quan báo chí vẫn chưa thể tiếp cận được những người đứng đầu có trách nhiệm trong vấn đề cấp thiết này.
Với sự im lặng trên, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi rằng: Liệu chính quyền huyện Đại Từ và các cơ quan chức năng có đang vô cảm trước những an toàn và tính mạng của nhân dân chính địa phương mình khi mùa mưa bão 2021 đang cận kề? Nếu sự cố xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những nguy cơ đã được cảnh báo từ trước? Câu hỏi này xin gửi đến UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ cùng các cơ quan chức năng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo.
Đức Long – Hậu Thạch