BVR&MT – Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30% trong tổng diện tích rừng trồng là gỗ lớn, cùng với đó năng suất đạt 300 m3/ha trong chu kỳ 10 đến 12 năm.
Ðể đạt mục tiêu này, giống cây trồng được xác định là khâu đột phá với các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng của rừng trồng.
Ba tỉnh hiện có gần 600 nghìn ha rừng trồng và dư địa để tăng diện tích còn khá lớn. Lâm nghiệp, nhất là trồng rừng chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế khu vực này. Với định hướng đẩy mạnh hơn nữa trồng rừng kinh doanh gỗ lớn được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng FSC, các tỉnh đã xây dựng đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp được xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, để người dân sống tốt bằng nghề trồng rừng.
Mới đạt hơn 20% diện tích
Ông Ðặng Thơ ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là chủ nhóm hộ trồng 300 ha rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC. Tiền đầu tư mỗi héc-ta rừng từ khi trồng đến chăm sóc, khai thác hết gần 30 triệu đồng. Do trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt cho nên rừng của nhóm hộ ông Thơ cho năng suất từ 170 đến 200 tấn gỗ/ha, trong đó đến 70% số gỗ có đường kính hơn 12 cm. Với giá bán 1,5 triệu đồng/tấn gỗ vừa khai thác, sau khi trừ hết mọi khoản chi phí, họ lãi hơn 100 triệu đồng/ha, gấp hai lần so với trồng rừng truyền thống.
Cùng trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, ông Hồ Ða Thê, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (Lộc Bổn, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cho rằng, trồng rừng gỗ lớn không chỉ là cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó bão lũ đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Hòa Lộc là đơn vị đầu tiên của tỉnh này trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC; mỗi héc-ta rừng bán có giá trị từ 250 đến 300 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, địa phương này trồng được khoảng 12.000 ha rừng keo gỗ lớn, trong đó gần 10.000 ha được cấp chứng chỉ FSC. Thông qua trồng rừng gỗ lớn, người dân ý thức được lợi ích cũng như vai trò của mô hình, từng bước từ bỏ phương thức trồng rừng theo lối cũ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, 5 năm qua, tỉnh đã chọn phát triển kinh tế lâm nghiệp với trọng tâm trồng rừng là ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Bình quân mỗi năm, các lâm trường và hộ dân ở Quảng Bình đầu tư hàng chục tỷ đồng để trồng 4.500 – 5.500 ha rừng, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động thuộc 60 xã vùng miền núi, trung du và vùng cát ven biển. Tuy nhiên, diện tích trồng rừng gỗ lớn ở địa phương này vẫn chưa nhiều, chủ yếu trồng rừng lấy dăm gỗ. Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy) Phan Hữu Tình cho biết, xã có hơn 4.500 ha rừng trồng, được xem như “thủ phủ” rừng trồng của tỉnh với các loại cây keo, tràm; tính trung bình mỗi hộ dân ở đây có 3 ha rừng. Với chu kỳ trồng chỉ bốn năm, mỗi năm Trường Thủy có hơn 1.000 ha rừng cho khai thác.
Theo thống kê, các tỉnh Bắc Trung Bộ mỗi năm trồng mới đến hơn 20.000 ha rừng nhưng chủ yếu cung cấp nguyên liệu dăm gỗ, với chu kỳ rừng 4 đến 5 năm tuổi đã đưa vào khai thác. Do khai thác sớm nên nguyên liệu gỗ dăm chiếm gần 90% và tỷ lệ gỗ xẻ chỉ hơn 10% trong sản lượng nên giá thành mỗi héc-ta rừng trồng còn khá thấp. Trong khi đó, rừng trồng gỗ lớn với chu kỳ 10 đến 12 năm tuổi cho sản lượng gỗ xẻ cao để cung cấp nguyên liệu làm nội, ngoại thất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên giá thành mỗi héc-ta cao gấp nhiều lần so với trồng rừng cung cấp dăm gỗ.
Thực tế trồng rừng gỗ lớn với các khâu chăm sóc, khai thác, chế biến, xuất khẩu đã góp phần nâng cao giá trị và chất lượng nghề rừng, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất tạo thêm việc làm cho người dân, giải quyết được vấn đề xã hội, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ba yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau, khi giá trị kinh tế được tăng lên, chất lượng đời sống người nông dân được cải thiện, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, diện tích rừng gỗ lớn của ba tỉnh này đang khiêm tốn, chỉ đạt hơn 20% trong tổng diện tích rừng trồng. Vì vậy, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang có một chiến lược mới, phù hợp cho trồng rừng.
Chọn đột phá từ giống cây
Mục tiêu các tỉnh Bắc Trung Bộ đặt ra phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 30% trong tổng diện tích rừng trồng là gỗ lớn cùng với đó năng suất đạt 300 m3/ha trong chu kỳ 10 đến 12 năm để người trồng rừng được giàu hơn trên chính mảnh đất của mình. Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, các tỉnh có nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là chọn chất lượng giống làm khâu đột phá với chủ trương chuyển đổi giống cây keo lai giâm hom thường trồng lâu nay sang cây keo lai nuôi cấy mô. Các công ty giống cây trồng rừng ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đã sản xuất cây giống bằng kỹ thuật mới này nên phần nào đã chủ động được nguồn cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng hằng năm. Các tỉnh đã lồng ghép, tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho nhân dân trồng rừng với mức 2.000 – 2.100 đồng/cây để không ngừng tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, thời gian qua Quảng Trị chủ động liên kết với Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Ðại học Huế, các tổ chức khoa học nước ngoài chọn được giống tốt giúp nhiều nhóm hộ dân và các công ty lâm nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Các chủ rừng luôn sử dụng biện pháp canh tác khoa học tiến bộ, đặc biệt quan tâm đến chất lượng giống có nguồn gốc rõ ràng, nhất là giống cấy mô nên cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao. Tiến sĩ Phạm Xuân Ðỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cho biết, nhờ có giống keo lai cấy mô tốt nên mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn của trung tâm hiện đạt năng suất 270 m3 gỗ/ha, với mức giá bán gỗ hiện tại lợi nhuận thu về cao hơn rất nhiều so với trồng rừng lấy gỗ dăm. Trung tâm là đơn vị tiên phong trong việc lai tạo giống cây trồng rừng. Vườn ươm cây giống keo lai cấy mô của trung tâm mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn một triệu cây.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Ðại Anh Tuấn, giống là vấn đề then chốt quyết định chất lượng và năng suất trồng rừng gỗ lớn. Vì vậy, tỉnh đang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Ðịa phương này hiện có hai cơ sở nuôi cấy mô tại Công ty Tiền Phong và Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5 với công suất ước đạt khoảng bốn triệu cây giống/năm, phục vụ kịp thời nhu cầu giống cho người trồng rừng. Tỉnh cũng đang xây dựng thêm vườn ươm rộng 20 ha cho các giống keo lá tràm, keo tai tượng, keo lưỡi liềm; 120 ha giống chuyển hóa nhằm cung cấp giống mới nâng cao năng suất, chất lượng. Với tỉnh Quảng Bình, nét mới trong trồng rừng những năm gần đây là người dân chú trọng trồng bằng giống cây bản địa để tăng tính chống chịu gió bão và giá trị kinh tế của rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, hiện có gần 2.000 ha rừng là cây bản địa được trồng mới, chủ yếu là các loại cây gỗ như lát, huỵnh, trầm hương, dỗi, lim, vàng tâm, sến, bài lài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ rừng rà soát lại rừng, với các khu vực đủ điều kiện nên chuyển sang mô hình rừng kinh doanh gỗ lớn. Ðối với diện tích đã khai thác trồng lại rừng, khuyến khích các chủ rừng sử dụng các loại giống tốt và chọn các biện pháp thâm canh rừng thích hợp, tạo ra các khu rừng gỗ lớn tập trung đạt năng suất, chất lượng cao để cung cấp gỗ xẻ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Nhìn một tầm xa hơn, việc phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC phù hợp chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Cốt lõi của việc chuyển từ trồng rừng theo cách truyền thống sang trồng rừng gỗ lớn là chuyển từ sản xuất sản lượng nhiều sang giá trị chất lượng cao. Cùng chiến lược đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 khẳng định tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, Quảng Bình ban hành các chính sách hỗ trợ để trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và các giống cây bản địa; đồng thời gắn trồng rừng với trồng cây dược liệu để nâng cao hiệu quả của nghề rừng, giúp người dân bảo vệ, phát triển và làm giàu từ rừng.
Tuy nhiên để phục vụ chiến lược trồng rừng kinh doanh gỗ lớn phát triển bền vững, đạt kết quả tốt hơn nữa, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng tham gia xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân trong vùng trồng rừng. Sớm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trong các vùng nguyên liệu để phục vụ quản lý, phòng, chống cháy rừng kết hợp phát triển kinh tế. Xây dựng bộ dữ liệu hiện đại, công khai thông tin để cộng đồng và chính quyền giám sát bản đồ phát triển rừng bền vững…