BVR&MT – Bắc Quang là một trong 5 huyện động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Giang. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, Bắc Quang còn rất chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Được biết, huyện Bắc Quang gồm 21 xã và 02 thị trấn, trong đó, dân tộc Mông chiếm đại đa số, chiếm 4,25% dân số của toàn huyện, chủ yếu thuộc các nhóm Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Xanh và một số ít thuộc nhóm Mông Đen. Sinh sống tập trung tại các xã Hữu Sản, Đức Xuân, Thượng Bình, Bằng Hành, Vô Điếm, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Quang Minh, Vĩnh Phúc.
Đẩy mạnh công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, các phòng ban chức năng của huyện Bắc Quang đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực của đời sống đồng bào dân tộc Mông như: Văn học nghệ thuật, tiếng nói, chữ viết, các nghề truyền thống như dệt vải lanh, kiến trúc nhà ở, khuôn viên sinh hoạt gia đình, lễ hội truyền thống, các nghi lễ đặc thù, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, các phong tục và truyền thống tốt đẹp, dân ca, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực… của đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời, cũng tập trung xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong đám cưới, đám ma, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà, không di cư tự do và theo đạo trái phép…
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có những bước chuyển biến rõ nét theo chiều tích cực; nhất là công tác bảo tồn và phục dựng các lễ hội truyền thống đặc trưng như: Lễ cúng Thần rừng, Lễ hội Gầu Tào…. Bên cạnh đó, trên địa bàn các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được các phòng ban chức năng của huyện tổ chức định kỳ theo hình thức luân phiên giao lưu văn hóa dân tộc. Ngoài ra, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Mông cũng được khuyến khích giao tiếp thường xuyên trong cộng đồng… Nhờ đó, hiện nay đã có trên 70% đồng bào Mông trên địa bàn huyện Bắc Quang đã hiểu biết về tiếng nói của dân tộc mình.
Nhằm phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, trong những năm qua, các phòng ban chuyên môn của huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động đồng bào giữ nguyên nét kiến trúc văn hóa truyền thống về nhà ở, khuôn viên nhà ở theo nối truyền thống để dễ dàng nhận diện làng của đồng bào dân tộc Mông. Bên cạnh đó, các phòng ban chức năng của huyện Bắc Quang và chính quyền các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống cũng đẩy mạnh công tác triển khai, khuyến khích đồng bào mặc trang phục truyền thống và giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình thông qua các buổi họp dân và các lễ hội. Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các lễ hội… theo nếp sống văn minh đã được đông đảo đồng bào Mông trên địa bàn duy trì và phát triển. Quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, duy trì nếp sống văn minh tại các xã có đồng bào Mông sinh sống đã được UBND huyện Bắc Quang gắn với tiêu chí xây dựng văn hóa khu dân cư và tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Không những vậy, công tác bảo tồn và khôi phục nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông như: Thổi khèn Mông, Sáo Mông, múa Khèn, ném Pao…; các nghề truyền thống như: Dệt lanh, nghề thêu, nghề làm Giấy Bản, chế tác nông cụ… cũng được huyện Bắc Quang khuyến khích phát triển. Trong những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin Bắc Quang đã phối hợp với công an huyện tổ chức và ra mắt mô hình “ Làng văn hóa Mông kiểu mẫu” tại thôn Vĩnh Sơn xã Vĩnh Phúc; các phòng chức năng của huyện Bắc Quang đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang tiến hành mở 03 lớp truyền dạy dân ca dân tộc Mông; mở 01 lớp dạy tiếng Mông; Phòng Văn hóa và Thông tin Bắc Quang đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tư liệu, biên soạn và xuất bản cuốn tài liệu “Sơ lược văn hóa truyền thống của một số dân tộc huyện Bắc Quang”, trong đó có dân tộc Mông.
Đồng chí Ngô Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Trong những năm qua, Bắc Quang đã đẩy mạnh quá trình khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mông. Quá trình này đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, nhất là tại các xã có đồng bào Mông sinh sống đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Vì vậy, công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện Bắc Quang đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Điều đó đã góp phần phát triển nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn của huyện.
Phạm Văn Phú