BVR&MT – Bạc Liêu có bờ biển hơn 56 km, với tiềm năng kinh tế khá đa dạng, phong phú. Ngoài thế mạnh về năng lượng sạch như điện gió, điện khí, điện mặt trời, tỉnh còn có tiềm năng phát triển nghề nuôi tôm, với gần 130 nghìn héc-ta chuyên nuôi tôm. Mấy năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Nhiều mô hình nuôi tôm năng động, sáng tạo
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, hiện nay, Bạc Liêu đứng vị trí thứ hai cả nước về diện tích chuyên nuôi tôm, sản lượng tôm năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019, tỉnh đạt hơn 155 nghìn tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135 nghìn tấn và cho sản lượng xuất khẩu gần 60 nghìn tấn/năm, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 650 triệu USD/năm.
Năm 2020, Bạc Liêu thả nuôi gần 130 nghìn héc-ta tôm, trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha. Các đơn vị đi đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn Việt – Úc, Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Công ty TNHH Huy Long An – Bạc Liêu, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P – Chi nhánh Bạc Liêu…
Không chỉ các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp nêu trên, mấy năm qua, nhiều hộ nông dân ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu cũng rất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều chuyên gia, nông dân nhiều tỉnh trong nước và nước ngoài đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Điển hình như các hộ ông Võ Thanh Phong (huyện Hòa Bình); Tạ Hoàng Nhiệm (huyện Đông Hải); Đinh Vũ Hải (TP Bạc Liêu)…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho tỷ lệ thành công cao, 85 đến 95% diện tích nuôi có lãi. Đây là các mô hình nuôi tôm tiên tiến, được đầu tư bài bản, quản lý nghiêm ngặt; khu nuôi được thiết kế hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp đặt hệ thống biogas. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo; tôm được ương, sau đó chuyển xuống ao nuôi và sàng thưa ra nhiều giai đoạn. Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha; lợi nhuận từ 700 đến 900 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình lợi nhuận từ một đến hai tỷ đồng/ha.
Phấn đấu trở thành đầu mối của ngành tôm
Công ty Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu ở vùng ven biển thuộc địa phận TP Bạc Liêu có tổng diện tích đất 52 ha, nằm liền kề Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, hoạt động sản xuất từ tháng 9/2019. Công ty chủ yếu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao mô hình nuôi tôm tiên tiến, công nghệ hiện đại, phù hợp tiềm lực của nhiều người nuôi tôm hiện nay, có thể chuyển giao rộng rãi cho người dân, do vốn đầu tư ban đầu thấp.
Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đi vào hoạt động năm 2018, trực thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu. Theo kỹ sư Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, sau hơn ba năm được Thủ tướng Chính phủ chính thức chấp thuận cho tỉnh Bạc Liêu xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết, sát sao các sở, ngành chức năng. Nhờ vậy, nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu đã có bước phát triển nhanh, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhiều hộ nuôi tôm quan tâm, ứng dụng. Ưu điểm của các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là tỷ lệ thành công cao, hạn chế được dịch bệnh xâm nhập, tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước nuôi nhiều lần, góp phần bảo vệ môi trường.
Cũng theo kỹ sư Phạm Hoàng Minh, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được chia thành năm gói thầu gồm: Hệ thống kênh thủy lợi có tuyến kênh dẫn chứa nước và kênh thải nước, với tổng chiều dài hơn 4.500 m; hệ thống đường giao thông nội bộ với tổng chiều dài 7.961 m; xây dựng hệ thống điện gồm đường dây điện trung thế ba pha và các đường dây hạ thế, hệ thống điện chiếu sáng và tám trạm biến áp; xây dựng bốn cống thoát nước ngang đường và xây dựng hàng rào bao quanh. Đến thời điểm này, các hạng mục (thuộc giai đoạn 1) được xây dựng trên diện tích hơn 102 ha, với tổng vốn đầu tư là 175 tỷ đồng. Hiện tiến độ các hạng mục trong giai đoạn 1 của dự án được triển khai khẩn trương, nhằm hoàn thành theo kế hoạch.
Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt đề án xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp nuôi tôm cả nước với nguồn vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Theo đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu trở thành đầu mối của ngành tôm, liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng để thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ cao cho hai đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú).
UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, sản lượng tôm chế biến của tỉnh năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (trong đó tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 25%), tỉnh phấn đấu đến năm 2025 là 120.000 tấn (tỷ trọng đạt hơn 35 đến 40%). Tổng sản lượng tôm xuất khẩu trong năm 2020 đạt 73.000 tấn, mục tiêu đến năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm hơn 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh. Đáng chú ý, Bạc Liêu đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước.
Có thể khẳng định, mấy năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu hết sức quan tâm, đồng thời tìm mọi giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh nghề nuôi tôm truyền thống của tỉnh. UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành có trách nhiệm đầu tư hệ thống điện ba pha phục vụ các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước. Về đầu ra sản phẩm, tỉnh thực hiện chuỗi liên kết an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản…
“Chúng tôi đã và đang rất quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Năm 2020, Bạc Liêu xuất khẩu thủy sản đạt 750 triệu USD, tăng gần 100 triệu USD so năm 2019. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt một tỷ USD trở lên, trong đó tỷ trọng tôm xuất khẩu đạt từ 35 đến 40%…” – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định.