BVR&MT – Hàng nghìn mét vuông rừng tự nhiên tái sinh bao gồm rất nhiều cây gỗ lớn đã bị chặt phá, đốt, dọn thực bì để trồng cây, dựng lều… ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của đồng bào địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và Lâm trường Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) lại đang tỏ ra chậm trễ trong công tác xử lý, gây nên những luồng ý kiến đa chiều từ phía dư luận.
Ngang nhiên chặt phá, đốt rừng trồng
Bà Hoàng Thị Thơm, ở tiểu khu 3, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn hàng chục năm nay lập nghiệp bằng “nghề” trồng rừng. Bà Thơm cùng hàng trăm hộ dân khác đang không đồng tình với cách làm mà Lâm trường Ngân Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn – Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn) vào cuộc xử lý sự việc.
Bà Thơm kể, ngày 03/05, gia đình bà đi phát cỏ cho đồi keo lai mới trồng thì phát hiện các ông Hà Văn Tuấn và Nguyễn Văn Hưng (cùng trú tại thôn Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc) chặt hạ hàng loạt cây gỗ lớn trong rừng thuộc diện tích gia đình bà đang nắm giữ.
Gặp bà Thơm khi bà cùng chồng đang phát cỏ dại để chăm sóc cây keo mới trồng, bà chỉ tay sang vạt rừng bị chặt, gỗ bị đốt cháy còn đen nhẻm rồi nói: “Chỗ rừng cây bị chặt phá là diện tích gia đình tôi đang giữ giấy chuyển nhượng viết tay từ năm 1987, canh tác ổn định từ năm 1980 và trông coi từ đó đến nay”.
Được biết, khi bà Thơm phát hiện rừng cây bị chặt đã nhanh chóng báo cáo chính quyền địa phương. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến chiều tối kiểm lâm địa bàn mới đến kiểm tra, khi đó những người chặt phá cây đã rời đi nơi khác. Và việc kiểm đếm, lập biên bản phải chuyển sang hôm sau mới thực hiện.
Theo bà Thơm, chỗ diện tích rừng bị chặt phá không chỉ một lần mà diễn ra nhiều lần, lần nào phát hiện bà cũng báo chính quyền địa phương. Và có lần khi lớp thực bì đã khô, những người phá rừng tiến hành đốt dọn để canh tác thì bà thơm phát hiện và báo chính quyền thị trấn, và chính quyền thị trấn đã bắt quả tang những người đốt rừng nhưng không lập biên bản vì không đủ thẩm quyền.
Và liên tiếp nhiều ngày sau đó những người phá rừng đã trồng cây mới vào phần đất mới bị phát, đốt, thậm chí dựng lều khá kiên cố trên đất rừng. Đặc biệt, cuối tháng 5/2020 nhiều người đã xẻ những cây gỗ lớn thành hộp vuông vắn rồi vận chuyển đi nơi khác.
Qua tìm hiểu được biết, diện tích đất lâm nghiệp trên đã được giao cho Lâm trường Ngân Sơn thuộc Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn quản lý nhưng hiện nay đang xảy ra tranh chấp với các hộ dân trên địa bàn.
Chậm trễ trong công tác xử lý
Để hiểu rõ thông tin sự việc, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã liên hệ với ông Hoàng Văn Phấn, Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn và lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn nhưng đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía các đơn vị trên.
Trước đó, sáng 15/07 trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: “Lâm trường Ngân Sơn quản lý diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là trên 2.000ha nhưng chỉ có 04 người (trong đó gồm 01 giám đốc, 01 kế toán, 01 kỹ thuật, 01 phục vụ, bảo vệ)”.
“Việc tranh chấp giữa người dân và Lâm trường đã có Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi có Kết luận thì UBND huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh là người dân muốn được giao đất, còn người dân vẫn canh tác trên đất đó. Hiện nay UBND tỉnh đã yêu cầu Thanh tra tỉnh Thanh tra toàn diện Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, nên giờ phải chờ kết luận của thanh tra, nếu hoạt động không được thì cấp huyện đề nghị UBND tỉnh giao đất cho dân để dân yên tâm canh tác”, bà Huyền nói.
Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, người có nhiều năm nghiên cứu về tranh chấp đất lâm nghiệp và giao đất, giao rừng ở nước ta cho biết: “Tình trạng trồng lấn rừng này không phải mỗi Bắc Kạn bị mà rất nhiều nơi bị. Trước tiên phải xác định đất đó tiến tới mục đích gì, có thật sự cần thiết liên quan đến hoạt động của Công ty Lâm nghiệp hay không? Sau đó tiến hành rà soát, bóc tách ra khỏi ranh giới Công ty Lâm nghiệp rồi giao cho dân. Làm theo cách này phù hợp với cả chủ trương Tái cơ cấu nông lâm trường quốc doanh và Hỗ trợ giao đất, giao rừng cho cộng đồng, đồng bào vùng cao dân tộc thiểu số. |
Văn Hoàng