BVR&MT – Hàng chục năm qua, Bắc Kạn luôn ở vị trí “đáy bảng” trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước về số thu ngân sách hằng năm, là tỉnh duy nhất có số thu ngân sách chưa đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Tỉnh đang gỡ các “nút thắt” để thu hút đầu tư, chuyển hướng từ kinh tế “nâu” sang “xanh” nhằm tăng thu ngân sách và bảo đảm nguồn thu bền vững.
Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, kết quả thu ngân sách năm đó của Bắc Kạn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng. Đến năm 2021, số thu của Bắc Kạn đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với khi mới tái lập tỉnh, nhưng chỉ gần bằng số thu trong một ngày của Thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm, Bắc Kạn luôn hoàn thành chỉ tiêu thu mà trung ương giao, nhưng số thu ngân sách chưa đến 1.000 tỷ đồng kéo dài hơn 20 năm trời là điều đáng suy nghĩ.
Chật vật tìm nguồn thu
Để hoàn thành chỉ tiêu thu, Bắc Kạn phải tìm nhiều giải pháp. Tỉnh triển khai đề án ấn định thuế khoáng sản căn cứ theo khối lượng khai thác khoáng sản được duyệt hằng năm. Các huyện, thành phố thì chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất, đấu giá đất.
Năm 2022, chỉ tiêu thu ngân sách của Bắc Kạn là 820 tỷ đồng. Theo Cục Thuế Bắc Kạn, đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh thu được hơn 417 tỷ đồng, bằng hơn 55% dự toán trung ương giao. Tiến độ thu dự kiến đạt mục tiêu theo kế hoạch (50% dự toán trở lên) và kịch bản tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, trong đó, thu từ sử dụng đất lên tới 93 tỷ đồng và chủ yếu là tiền bán đất từ năm 2021 chuyển sang.
Nguyên nhân dẫn tới số thu ngân sách thấp trước hết là do hạn chế khách quan của Bắc Kạn. Tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, không có đường hàng không, đường sắt, đường thủy liên tỉnh, chỉ có đường bộ với tuyến chính là quốc lộ 3 từ Thái Nguyên nối Cao Bằng đi qua. Nằm không xa Hà Nội, nhưng giao thông cách trở, nên nhiều năm liền thu hút đầu tư ở Bắc Kạn không đạt kết quả. Doanh nghiệp “dồn” về Thái Nguyên với điều kiện thuận lợi hơn. Đầu tư vào Bắc Kạn được coi là “dũng cảm”. Bắc Kạn có gần 1.000 doanh nghiệp, nhưng phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ và hầu hết hoạt động lĩnh vực xây dựng cơ bản, hiếm doanh nghiệp sản xuất, chế biến.
Giai đoạn từ 2005 đến 2015, hàng chục dự án đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản quy mô lớn, đình đám ra đời, đi vào xây dựng với vốn đầu tư từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng, như: Nhà máy Gang Cẩm Giàng của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 434 tỷ đồng; Nhà máy luyện kim phi cốc (sắt xốp) của Công ty cổ phần vật tư thiết bị toàn bộ Matexim với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Nhà máy điện phân chì, kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng… Dự kiến khi hoạt động, các nhà máy sẽ đóng góp ngân sách mỗi năm vài nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, tất cả các dự án này đến nay đều không hoạt động hiệu quả, nhiều dự án chỉ nằm trên giấy.
Hàng loạt dự án chế biến khoáng sản giờ lại trở thành “cục nợ” khiến tỉnh phải lao đao xử lý hậu quả. Lựa chọn “nhầm” những nhà đầu tư không có năng lực đã khiến Bắc Kạn hàng chục năm trời không tạo được nguồn thu ngân sách lớn từ phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản.
Tháo gỡ “nút thắt” để phát triển
Để thay đổi, Bắc Kạn đã chuyển hướng từ kinh tế “nâu” sang “xanh” để không chỉ tăng thu ngân sách mà còn thu bền vững. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh quyết tâm gỡ “nút thắt” về giao thông, rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của tỉnh. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã khởi công và chuẩn bị khởi công đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể và đường cao tốc Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn, đường Thái Nguyên – Chợ Mới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như:
Có đường thông thoáng, Bắc Kạn đón nhiều nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, Bắc Kạn đã thu hút được 71 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.397 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn, quan tâm đề xuất đầu tư thực hiện các dự án, như: Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Onsen Fuji, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn Vingroup…
Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 1.113 tỷ đồng. Hầu hết đây là các dự án chế biến, sản xuất và du lịch mang tính bền vững. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, kết quả thu hút đầu tư hai năm qua của Bắc Kạn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là một bước đột phá. Các lĩnh vực đầu tư cũng đa dạng hơn rất nhiều, thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.
Bắc Kạn đặt quyết tâm chính trị rất lớn đưa du lịch Ba Bể lên tầm cỡ quốc gia, có những điểm đến sánh ngang tầm với Bà Nà Hills (Đà Nẵng) hay Sa Pa (Lào Cai)… Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đón ít nhất 32 nghìn lượt khách quốc tế và một triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch Bắc Kạn cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách quốc tế và 1,7 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Việc được Trung ương quan tâm tháo gỡ nút thắt về giao thông như hiện tại đã dần hiện thực hóa quyết tâm của tỉnh, là điều kiện để Bắc Kạn tăng thu và thu ngân sách bền vững trong thời gian tới.