Bắc Kạn: Đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Tóm tắt – Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kim Hỷ được thành lập theo Quyết định số 1804/QĐ-UB, ngày 01/9/2003 của UBND tỉnh Bắc Kạn với diện tích trên 14.000 ha, trải dài từ các xã Vũ Muộn, Cao Sơn (huyện Bạch Thông) tới các xã Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh (huyện Na Rì), là nơi lưu giữ tài nguyên tự nhiên và nhân văn rất phong phú và đa dạng.

Đặc biệt là các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi với nhiều loài thực vật quý hiếm như: Du sam đá vôi (Keteleeria davidiana), Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis),… và những loài động vật đặc hữu, quý hiếm gồm: Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi), Hươu xạ (Moschus berezovski), Rùa hộp ba vạch (Cuora cyclornata) là những loài hiện có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Đặc biệt, đến với Khu BTTN Kim Hỷ bạn sẽ được chứng kiến sự đa dạng của loài Dơi trong số đó có một số loài hiếm gặp trên thế giới phân bố ở Việt Nam bao gồm Dơi mũi ống cánh lông Harpiocephalus harpia; Dơi tai đốm vàng Myotis formosus. Bên cạnh đó nơi đây còn lưu giữ những giá trị về nhân văn: di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa và bản sắc văn hóa của người dân trong vùng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn nằm trên địa bàn của các xã: Kim Hỷ, Ân Tình, Lạng San, Lương Thượng, Cao Sơn, Vũ Muộn thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông (Bắc Kạn). Khu vực điển hình cho hệ sinh thái núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam. Với kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh cây lá rộng nhiệt đới ẩm. Do khu vực có địa hình phức tạp, gồm những dãy núi đá vôi chạy dài xen kẽ núi đá, đồi đất độc lập, đường giao thông rất khó khăn nên khu vực còn giữ được độ che phủ của rừng cao, một số khu vực rừng có trữ lượng lớn (Ủy Ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, 2010). Trong khu vực, còn nhiều loài động thực vật quý hiếm như: Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi), Hươu xạ (Moschus berezovski), Rùa hộp ba vạch (Cuora cyclornataDu sam đá vôi (Keteleeria davidiana), Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis)…Khu BTTN Kim Hỷ còn có những hang động đẹp như: Hang Minh Tinh, hang Dơi (hang Thấp, hang Cao) là nơi tập trung của nhiều loài Dơi. Đền thờ Quận công Nông Đại Báo,… (Ủy Ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, 2003); có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn …Đây là những tài nguyên du lịch tự nhiên rất có giá trị. Vì vậy, cần đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái (DLST) của Khu BTTN Kim Hỷ để làm cơ sở khoa học việc đề xuất quy hoạch DLST cho khu vực.

  1. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung

1) Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên sinh thái và các giá trị cảnh quan ; điều tra, đánh giá các giá trị tiềm năng về nhân văn như các di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa.

2. Phương pháp

Sử dụng phương pháp kế thừa các tài liệu về du lịch sinh thái của các cơ quan và tổ chức trong khu vực Khu bảo tồn. Điều tra theo tuyến và điểm, cụ thể: Khu vực xã Kim Hỷ đã mở 2 tuyến điều tra có tổng chiều dài 9 km (Tuyến 1 từ Bản Kẹ đi Lán vàng 2 đến hang Minh Tinh, 5 km; tuyến 2 từ Bản Kẹ đi Mu Tèo, 4 km), khu vực xã Lương Thượng đã mở 1 tuyến điều tra có tổng chiều dài 3 km (Tuyến 3 từ Bản Kẹ đi Đỉnh Du Sam và Hang Minh Tinh), khu vực xã Ân Tình mở 2 tuyến điều tra có tổng chiều dài 6 km (Tuyến 4 từ Trạm Nà Dường đi hang Hươu Xạ và Thẳm Nặm, 3 km; tuyến 5 từ Thôn Thẳm Mu đi Lũng Liền, 3 km), khu vực xã Côn Minh mở 2 tuyến điều tra có tổng chiều dài 6 km (Tuyến 6 từ chốt Thẳm Mu đi lán Ông Kỳ đến xóm Cốc Keng, 4 km; tuyến 7 từ chốt Lủng Pảng đi Lũng Xòm, 2 km), khu vực xã Cao Sơn mở 1 tuyến điều tra có tổng chiều dài 3 km (Tuyến 8 từ Cốc Lùng đi Len Giảo, Lủng Peo đến hang Dơi), khu vực xã Vũ Muộn mở 1 tuyến điều tra có tổng chiều dài 3 km (Tuyến 9 từ trạm Vũ Muộn đi Lũng Cậu). Kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học giữa các bên liên quan với hai cách tiếp cận: Phỏng vấn qua trao đổi, thảo luận với các nhà quản lý Khu bảo tồn, Phòng thương mại và du lịch huyện, Sở văn hóa, du lịch và thể thao tỉnh và phỏng vấn 30 người dân và khách du lịch.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

  1. Tiềm năng tài nguyên sinh thái, các giá trị cảnh quan

Tài nguyên thực vật:  

Kết quả điều tra cho thấy, Khu BTTN Kim Hỷ có 1.072 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 608 chi của 172 họ, 5 ngành, có số l­ượng khá phong phú về thành phần loài và họ thực vật. Các loài cây điển hình cho khu nghiên cứu như­: Nghiến, Trai, Xoan mộc, Nhãn rừng, Re, Giổi, Kháo, Re, Chò nâu, Xoan, nhờ có cấu trúc ưu hợp trong khu phân bố. Riêng Du sam đá vôi, Thiết sam giả chỉ phân bố trên đỉnh núi đá cao. Bên cạnh đó có nhiều loài cây quý hiếm như: Giổi bà Giổi găng, Giổi xanh, Trầm hương

Hệ sinh thái rừng: Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi chiếm diện tích lớn nhất và phân bố tập trung nhiều ở dọc đường ranh giới các xã Vũ Muộn, Cao Sơn, Côn Minh, Ân Tình và xã Kim Hỷ. Hệ sinh thái rừng nơi đây đã tạo lên nhiều cảnh quan đẹp với đa dạng các thành phần loài cây. Nơi đây do ảnh hưởng của yếu tố địa lý đã hình thành nên nhiều kiểu rừng khác nhau:

Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp: Kiểu rừng này phân bố ở độ cao dưới 700m và có diên tích lớn nhất trong Khu BTTN, rừng liền khoảnh từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam. ngoài ra có nhiều ở vùng quanh khu vực chân và sườn thấp của các đỉnh cao như Áng Toòng, Khuổi Côi, Lũng Vài.

Thành phần loài thực vật đại diện có các loài trong họ Đậu (Fabaceae), họ Vang (Caesalpiniaceae), họ Trinh nữ (Mimosaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Dẻ (Fagaceae), họ Sim (Myrtaceae), họ Trám (Burseraceae), họ Na (Annonaceae), họ Măng cụt (Guttiferae) và nhiều họ khác. Rừng còn lại vẫn giữ được những nét cơ bản của cấu trúc rừng tự nhiên. Khu vực này có thể trở thành điểm du lịch sinh thái cho những du khách thích khám phá và ưa mạo hiểm.

Kiểu Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (ở độ cao 700m đến 1117m): Kiểu rừng này phân bố ở độ cao từ 700m đến 1117m. Trong Khu BTTN Kim Hỷ, diện tích rừng kiểu này khá nhỏ và tập trung chủ yếu ở quanh các đỉnh cao Áng Toòng, Khuổi Côi, Lũng Vài và một vài của khu vực.

Thành phần loài cây đặc trưng của vùng núi đá vôi như: Nghiến, Trai lý, Sấu, Gội, Nanh chuột, Thanh thất, Trám trắng, Mạy chặm, Thị đá, Ké, Chẹo, Nhội, Mọ, Xoan nhừ, Nhãn rừng, Thiều rừng, Chò đãi, Chò chỉ, Dẻ gai, Sồi đá, Kháo, Re, Rè, Lòng trứng… lác đác cây lớn gỗ tốt như Đinh, Nghiến, Trai, Dẻ, Gội nếp có đường kính tới 70-90cm, đặc biệt ở tầng này trong rừng của xã Kim Hỷ còn có Du sam đá vôi, Thiết sam giả lá ngắn mọc xen.

Hệ sinh thái sông, hồ, ao, suối:

Trong Khu BTTN Kim Hỷ chỉ có sông Bằng Giang tuy nhỏ nhưng đáng kể nhất, còn lại suối, hồ và ao là rất nhỏ. Hệ sinh thái này rất nhỏ về diện tích, phân bố khá đều trong khu vực. Các con suối có độ dốc khá cao hay bị đứt quãng, ít nước về mùa khô. Trong Hệ sinh thái hồ ao, suối rất nghèo các loài động vật sống dưới nước trừ một số hồ ao nuôi cá. Thực vật có các loài phổ biến như: Rành rành, Kháo suối, Rù rì nước, Áng nước, Nhội, Vàng anh, Lộc vừng, Mai hương, Cỏ bạc đầu, Cói bạc đầu, Cỏ ba cạnh, Cỏ môi, Cỏ lông, Nghể răm, Nghể trâu, Thuỷ xương bồ, Dấp cá, Ngổ om, Thài lài, Khoai nước, Rau rệu, Rau dừa nước, Rong đuôi chó, Tóc tiên nước….

Hệ sinh thái làng xóm:

Hệ sinh thái làng xóm nằm rải rác trong tất cả các xã nhưng chủ yếu nằm ở thung lũng dọc theo các con suối có nước, có ruộng lúa, chân các dải núi đất hoặc gần với  các dãy núi đá nơi có các mạch nước và có đất để canh tác. Trong Khu BTTN Kim Hỷ có 8 bản làng của đồng bào các dân tộc Kinh, Nùng, Dao, Tày nằm rải rác trong rừng, phụ thuộc vào các dòng nước suối, đồng ruộng, thiếu quy hoạch nên đây là khó khăn cho việc quy hoạch phát triển rừng, giao thông, điện, nước, trường học. Trong Hệ sinh thái làng xóm, người dân trồng một cách tự phát nhiều loài cây nông nghiệp, cây ăn quả, cây làm thuốc như: Nhãn, Vải, Cam, Chanh, Quế, Mít, Bưởi, Chuối, Chay, Hồng, Mía, Ổi, Xoài, Mận, Đào, Mơ, Vông nem, Dầu mè, Trạng nguyên, Cây hoa, Cây cảnh.

Tài nguyên động vật:

Tổng các tài liệu và kết quả nghiên đến tháng 12/2012 đã ghi nhận được tại khu vực 402 loài động vật có xương sống thuộc 122 họ, 27 bộ thuộc các lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái tại Khu BTTN Kim Hỷ.

Hình 01: Tài nguyên động vật tại Khu BTTN Kim Hỷ.

Tài nguyên động vật Khu BTTN Kim Hỷ đánh giá ở mức độ đa dạng cao về tài nguyên Thú và Chim, kém đa dạng về thành phần loài Bò sát và Lưỡng cư. Tuy nhiên ở mức đa dạng cao về số bộ, họ và có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gen, như: Hươu xạ, Voọc đen má trắng… Đặc biệt trong số đó có một số loài hiếm gặp trên thế giới phân bố ở Việt Nam bao gồm Dơi mũi ống cánh lông Harpiocephalus harpia; Dơi tai đốm vàng Myotis formosus và 2 loài mới cho khoa học (Dơi mũi ống tròn Murina tiensa và loài chưa được đặt tên Murina sp.).

Hình 02: So sánh tài nguyên động vật của Khu BTTN Kim Hỷ với một số khu bảo vệ khác.

So với một số khu bảo vệ khác như Cát Bà, Cúc Phương, Kim Hỷ, Phong Nha – Kẻ Bàng (Đỗ Quang Huy, 2012), tài nguyên động vật rừng Khu BTTN Kim Hỷ là khá cao so với tài nguyên động vật của Ba Bể và Cát Bà. Điều đáng lưu ý là động vật Kim Hỷ mang tính chất đặc trưng cho khu hệ động vật vùng Đông Bắc Việt Nam.

Trong tổng số 348 loài động vật phát hiện được tại khu vực Kim Hỷ: Trong số 23 loài lưỡng cư ghi nhận Khu BTTN Kim Hỷ, loài Ếch cây ki-ô có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở bậc EN và trong Danh lục Đỏ IUCN(2017) ở bậc VU.

Trong số 27 loài bò sát ghi nhận ở Khu BTTN Kim Hỷ có loài 5 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) chiếm 22,2% số loài bò sát ghi nhận được bao gồm: 2 loài ở bậc EN (nguy cấp) là: Rắn cạp nong, Rắn ráo 3 loài ở bậc VU (sẽ nguy cấp) là: Rồng đất, Rắn sọc dưa, Rắn sọc đốm đỏ; 1 loài ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2017) ở bậc EN (nguy cấp): Rùa sa nhân; 4 loài ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP thuộc nhóm IIB: Rắn sọc dưa, Rắn cạp nong, Rắn cạp nia, và Rắn hổ mang trung quốc.

Trong số 256 loài chim ghi nhận ở Khu BTTN Kim Hỷ, có 14 loài quý hiếm, có giá trị bảo tồn bao gồm Diều hoa miến điện, Gà lôi trắng, Gà tiền mặt vàng, Vẹt ngực đỏ, Cú lợn lưng nâu, Cú lợn rừng, Dù dì phương đông, Bói cá lớn, Bồng chanh rừng, Hồng hoàng, Niệc nâu, Chích chòe lửa, Yểng, và Ác là.

Trong 96 loài thú có 15 loài có giá trị và ưu tiên bảo tồn cao bao gồm: Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ vàng, Khỉ cộc, Khỉ mốc, Voọc đen má trắng, Rái cá lớn, Rái cá nhỏ, Chồn bụng vàng, Chiết chỉ lưng, Cầy vằn bắc, Cầy giông, Cầy hương, Cầy gấm, và Mèo rừng.

Có 2 loài Đặc hữu của Việt Nam: Hươu xạ và Ếch bắc bộ.

Tài nguyên động vật của Kim Hỷ, với sự có mặt của nhiều loài quý hiếm, độc đáo là tiềm năng cho phát triển loại hình du lịch kết hợp nghiên cứu: Xem chim, soi thú ban đêm, nghiên cứu dơi.

Tài nguyên nước:

Trong khu vực nghiên cứu có sông Bắc Giang và hệ thống suối bắt nguồn từ các núi cao, các thung, áng trên các dãy núi đá vôi dẫn nước đưa về sông Bắc Giang. Hướng chảy từ Tây sang Đông khu vực, lưu lượng nước lớn về mùa hè, mùa đông nước rất cạn.

Các hệ suối gồm có: suối Pắc Bó (xã Ân Tình) suối Kim Vân, Khuổi Luộc, Khuổi Khoang xã Kim Hỷ, suối Khau Lẹ, Khuổi Sua xã Lạng San, suối Lũng Pảng xã Côn Minh có nước quanh năm nhưng lúc nhiều lúc ít theo mùa.

Do hiện tượng Caster, nên một số con suối có đoạn chảy nổi trên mặt đất, có đoạn chảy ngầm trong long đất, mùa mưa nước chảy mạnh, mùa khô rất thiếu nước, nên lũ lụt ít xảy ra. Nói chung khu vực có mật độ suối cao nhưng rất khan hiếm nước vào mùa khô.

Các giá trị cảnh quan, môi trường, bảo tồn và du lịch:

Đây là nơi lưu giữ nhiều sinh cảnh rừng khác nhau, giàu tính đa dạng sinh học, đặc biệt là địa hình núi đá có nhiều hang động đẹp rất có tiềm năng du lịch sinh thái. Tuy nhiên hiện nay các hoạt động về phát triển du lịch sinh thái chưa được quan tâm đầu tư nên chưa khai thác được tiềm năng này.

Hang Minh Tinh: Thuộc địa phận của xã Lương Thượng giáp ranh với xã Kim Hỷ. Từ Bản Kẹ theo đường mòn, độ dốc thấp, khoảng 3 km, thời gian đi mất khoảng 1 giờ. Miệng hang trên sườn – đỉnh núi có độ cao tuyệt đối 723 m. Trần hang cao từ 20 – 40 m, rộng từ 20 – 40 m, sâu 400 m. Hang chia nhiều ngách, nhiều tầng, ít nhất 3 tầng. Trần và xung quanh có nhiều nhũ đá xám vàng sáng có khả năng phản quang và có giá trị thẩm mỹ. Trong hang là nơi tập trung nhiều loài Dơi và một số loài Rắn sọc khoanh, don, chân khớp. Có thể xây dựng thành điểm du lịch sinh thái.

Hang Dơi (Hang thấp, Hang cao):

Hang Dơi (hang thấp, hang cao) thuộc xã Cao Sơn huyện Bạch Thông, Hang Dơi nằm trên ranh giới xã Kim Hỷ và xã Cao Sơn. Hang chia thành 2 ngách chính. Có hai cách đến Hang Dơi đó là: Từ thôn Lủng Cháp xã Cao Sơn, đến hang Dơi khoảng 6 km theo bản đồ. Thực địa khoảng 9 km. Đường qua nhiều sườn núi đá dốc, có thể kết hợp xây đường du lịch và đường tuần tra. Thời gian đi mất khoảng 3 giờ và Từ thôn Thẩm Mu xã Ân Tình đến hang khoảng 7 km theo bản đồ. Thực địa khoảng 10,5 km. Đi bộ mất khoảng 5 giờ. Đường qua nhiều dông núi dốc, hiểm trở. Miệng hang trên sườn núi, độ cao tuyệt đối 600 m. Trần hang cao từ 20 -50 m, rộng từ 20 – 45 m, sâu 200m. Trong hang có nhiều nhũ đá đẹp có giá trị thẩm mỹ cao. Là nơi tập trung nhiều loài Dơi chỉ tìm thấy ở Việt Nam.

Một số hình ảnh Hang Dơi.

Đầu nguồn Suối Cải: Thuộc Bản Cuôn, xã Côn Minh, huyện Na Rì
Đặc điểm: Suối Cải dài khoảng 6 km, là nhánh của Suối Nà Tiêu. Suối có nước quanh năm.
Có thác nhỏ, cảnh quan đẹp, chiều dài khoảng 600 m, rộng 10 – 20 m
Tiềm năng: Có thể xây dựng thành điểm du lịch sinh thái

2. Các giá trị tiềm năng về nhân văn: di tích khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa của người dân trong vùng

Đền Thờ Quận Công Nông Đại Báo: Nằm trên địa bàn Thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng Đặc điểm: Đền có Sắc phong từ thời Trần, nay Sắc phong đã bị thất lạc. Dân trong vùng có lễ cúng tế vào tiết xuân. Đã bị phá hủy (1970), hiện nay chỉ còn nền đất. Tiềm năng: Có thể phục chế tạo nơi du lịch tín ngưỡng.

Lễ hội Lồng Tồng bản Pjoo: Lễ hội Lồng tồng thuộc xã Lam Sơn, huyện Na Rì diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang những nét đẹp đặc trưng riêng, cầu mong cho con người có sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lễ hội Lồng Tồng Bản Pjoo luôn duy trì và phát huy được những nét đẹp truyền thống của các dân tộc ở nơi đây. Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi thể hiện qua những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng nơi đây; những câu hát sli, điệu lượn, lời cây đàn tính như lời mời khách chân tình, mộc mạc đến vui với lễ hội. Tung còn cũng là một hoạt động đặc sắc của lễ hội đó cũng là một phương thức thể hiện tình giao duyên của các chàng trai, cô gái Tày, Nùng…

Lễ hội còn là dịp để các tư thương, bà con ở địa phương và các nơi khác giới thiệu, trao đổi, mua bán sản phẩm nông sản, ẩm thực của địa phương, tạo khí thế để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Na Rì bước vào một năm lao động sản xuất với nhiều thắng lợi mới.

Chợ tình Xuân Dương, huyện Na Rì (Bắc Kạn): Thuộc xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn tổ chức vào 25 tháng 3 âm lịch hàng năm. Nét đặc biệt mang tính truyền thống từ xa xưa của phiên chợ tình ở Xuân Dương là chợ họp không có người mua, người bán. Những người đến đây chỉ để tìm lại bóng dáng người xưa, trao đổi tâm tình. Để rồi sau ngày duy nhất trong năm ấy, họ lại mỗi người mỗi ngả, trở về với cuộc sống riêng của mình, hẹn ngày này sang năm tái ngộ.

Ngày nay, hoạt động giao thông đã thuận lợi, Chợ tình Xuân Dương không chỉ đón đồng bào dân tộc nơi đây tìm đến với hội chợ để chia sẻ tâm tình mà còn thu hút được sự quan tâm của du khách từ khắp các địa phương trong cả nước. Họ đến đây với mong muốn tìm hiểu truyền thống của lễ hội, chứng kiến các sinh hoạt trong ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.Người đến với ngày hội chợ tình Xuân Dương sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc của người vùng cao như: Cơm lam, thắng cố, mèn mén, thịt treo, bánh dầy ngô…, được chiêm ngưỡng nét đẹp từ các bộ trang phục của đồng bào dân tộc: Những chiếc áo chàm của người Tày, Nùng, những bộ váy áo thêu tay sặc sỡ sắc màu của người H’Mông nổi bật giữa núi rừng… Chợ còn nhộn nhịp với những sinh hoạt văn hóa đậm chất dân gian như: Múa khèn, tung còn, hát sli, hát lượn, các trò chơi đẩy gậy, kéo co…

IV. KẾT LUẬN

Khu BTTN Kim Hỷ là khu vực điển hình cho hệ sinh thái núi đá vôi vùng Đông Bắc Việt Nam. Với kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh cây lá rộng nhiệt đới ẩm, mang tính chất đặc trưng của rừng vùng biên giới phía Bắc Việt Nam. Do KBT có địa hình phức tạp, một số khu vực rừng còn mang tính nguyên sinh, có trữ lượng lớn, cảnh quan đẹp. Tài nguyên động thực, vật rất đa dạng, có nhiều loài có giá trị khoa học và bảo tồn nguồn gen mang tầm Quốc gia và Quốc tế: Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi), Hươu xạ (Moschus berezovski), Rùa hộp ba vạch (Cuora cyclornata), Kỳ đà hoa (Varanus salvator), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah)… Du sam đá vôi (Keteleeria davidiana), Thiết sam giả (Pseudotsuga sinensis)…

KBTTN Kim Hỷ rất có tiềm năng du lịch sinh thái bởi có nhiều hang động đẹp như Động Minh tinh; hang Dơi (Hang cao, Hang thấp)…

Bên cạnh đó các giá trị tiềm năng về nhân văn như các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội của người dân trong vùng cũng rất đa dạng và đặc sắc..

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Khoa học công nghệ và môi trường (2007). Sách đỏ Việt Nam: Phần Động vật. NXB Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.

2. Đỗ Quang Huy (2012). Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững Khu BTTN Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2012-2020. Chi cục Kiểm Lâm Bắc Kạn.

3. IUCN (2017) The IUCN Red List of Threatened Species. Version 2017-3. <http://www.iucnredlist.org>. Downloaded on 05 December 2017.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2003). Luận chứng kinh tế kỹ thuật của Khu BTTN Kim Hỷ. Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, Tỉnh Bắc Kạn.

5. Ủy Ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn (2010). Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2020.


Lưu Quang Vinh – Nguyễn Hải Hà – Phùng Thị Tuyến – Hoàng Thị Tươi – Nguyễn Đắc Mạnh – Tạ Tuyết Nga – Trần Thị Hương – Nguyễn Thị Bích Hảo
 (Trường Đại học Lâm nghiệp)