BVR&MT – Với mục tiêu quyết tâm phát triển nông nghiệp có thương hiệu, tạo ra giá trị kinh tế cao, Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, tại các huyện, thành phố ở tỉnh Bắc Kạn xuất hiện ngày càng nhiều diện tích trồng lúa chất lượng cao với các giống lúa Nhật Bản. Đây là mô hình đã được ngành nông nghiệp Bắc Kạn tập trung nguồn lực hỗ trợ, thực hiện liên kết bốn nhà nhằm tạo ra bước chuyển trong tư duy sản xuất của nhân dân.
Vụ xuân 2022, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã triển khai “Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại xã Yên Phong (Chợ Đồn) và xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể). Mô hình sử dụng giống lúa J02 thực hiện trên diện tích hơn 33ha với sự tham gia của 192 hộ dân thuộc 12 thôn. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% gồm giống lúa, phân bón, chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất lúa hữu cơ; hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật, hội thảo, lấy mẫu phân tích, đánh giá, cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Sau khi thu hoạch, năng suất lúa ở Hà Hiệu đạt từ 760 đến 1.000kg thóc tươi/1.000m2; ở Yên Phong đạt từ 850 đến 1.000kg thóc tươi/1.000m2. Những chân ruộng tốt, bón đủ phân chuồng hoai mục, năng suất đạt tới 1.300kg thóc tươi/1.000m2. Toàn bộ sản phẩm đều được công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giá trị được nâng cao hơn giá thóc, gạo sản xuất thông thường. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đạt hiệu quả cao, các hộ dân tham gia mô hình đều phấn khởi, chủ động mở rộng diện tích những vụ sau.
Từ hiệu quả các mô hình này, người dân đã chủ động tự nhân rộng. Chất lượng gạo và giá bán thóc J02 ở Bắc Kạn cũng cao hơn hẳn Khang dân 18 và một số loại giống trước đây canh tác. Hạt gạo J02 tròn, mẩy, nấu cơm có độ dẻo, thơm, vị ngọt đậm đà, đặc biệt khi để nguội cơm vẫn giữ độ dẻo, không bị khô. Giá bán gạo J02 khoảng 16.000 đồng/kg, trong khi giá gạo Khang dân 18 chỉ khoảng 11.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, chuyển đổi đất lúa sang trồng lúa chất lượng cao và những loại cây có giá trị kinh tế cao là trọng tâm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp từ 2 đến 10 lần trở lên so với canh tác lúa.
Cụ thể, trên đất canh tác lúa 2 vụ/năm cho thu nhập trung bình từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, nếu chuyển sang trồng lúa chất lượng sẽ đạt 80-100 triệu đồng/ha; khi chuyển đổi sang trồng rau, màu cho thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha/năm (gấp 4-5 lần so với canh tác lúa, diện tích trồng bí xanh thơm cho thu nhập cao gấp hơn 10 lần); nếu chuyển sang trồng cây lâu năm như trồng cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, hồng không hạt, ổi) cho thu nhập trung bình từ 80-150 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,5-4 lần so với canh tác lúa); chuyển sang trồng cây dong riềng cho thu nhập trung bình 90-100 triệu đồng/ha/năm (gấp 2 lần so với canh tác lúa)…
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, triển khai các dự án liên kết thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia…
Sau gần ba năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bắc Kạn đã hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Đặc biệt là các nông sản bản địa, nhiều sản phẩm được sản xuất hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến.
Bắc Kạn có nhiều đổi mới trong tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, một số diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP. Năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chính tăng so với giai đoạn 2016-2020, bình quân lương thực đầu người đạt 551kg/người/năm. Từ năm 2021-2023, tỉnh chuyển đổi được khoảng 141ha diện tích trồng lúa sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, duy trì diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018 đến 2023 ước đạt 1.859ha.
Việc cơ cấu lại góp phần thay đổi tư duy sản xuất vốn manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Việc chuyển đổi từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi theo hướng tập trung đang trở thành phong trào có tính lan tỏa trong nhân dân. Tổng đàn vật nuôi giai đoạn 2020-2023 có xu hướng tăng qua các năm. Sản lượng thịt hơi các loại bình quân 22.748 tấn trong số 30.000 tấn, đạt 76%, nghị quyết, góp phần tăng trưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Tỉnh đã có 17 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô nhỏ; 21 trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa; đang tổ chức thực hiện 12 chuỗi dự án liên kết sản xuất chăn nuôi (năm thứ 2).
Nổi bật ở Bắc Kạn trong cơ cấu lại nông nghiệp là trồng rừng. Tổng diện tích rừng trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác từ năm 2021 đến 2023 là 9.858ha/17.500ha, đạt 56% mục tiêu đến năm 2025. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,35%, vượt mục tiêu nhiệm kỳ. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân 274.490/300.000m3 góp phần nâng cao giá trị từ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện trên thị trường các tỉnh lân cận, có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và một số quốc gia châu Á. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, trong năm 2023, dù tình hình hạn hán gây nhiều thiệt hại nhưng nhờ hiệu quả của cơ cấu lại ngành mà tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 5,2%, cao nhất từ năm 2020 tới nay. Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp lớn với sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh.
Tuy nhiên, thách thức lớn với Bắc Kạn là hiện tại địa phương này tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học-công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực trong sản xuất, sự gắn kết công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi chưa nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, đất sản xuất manh mún là rào cản trong việc ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn, vì vậy hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Hơn nữa, trong tổ chức sản xuất, chưa có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp vào mối liên kết giữa nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ. Liên kết giữa nhà khoa học-doanh nghiệp-nông dân còn thiếu bền vững, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do vậy, thời gian tới, Bắc Kạn tập trung đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ, trong đó hợp tác xã giữ vai trò chủ đạo. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bảo đảm đúng quy định hiện hành. Rà soát, nghiên cứu và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.