BVR&MT – UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác đến năm 2025 bình quân mỗi năm khai thác trên 1,0 triệu m³/năm, giai đoạn 2026-2030 bình quân khai thác trên 1,2 triệu m³/năm; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tăng cường các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là các loại cây dược liệu. Tiếp tục nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020. Đến năm 2030 mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm lâm nghiệp bằng 50% mức bình quân chung của cả tỉnh.
Giai đoạn 2021 – 2025 có 10% và giai đoạn 2026 – 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm an ninh môi trường rừng…
Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khai thác hiệu quả giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ với vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha.
Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp như: Mô hình vườn rừng, trại rừng, nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, cây đa mục đích, chăn nuôi, thủy sản dưới tán rừng,… Lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh nhằm tăng nguồn thu, khuyến khích chủ rừng, hộ gia đình nhận khoán tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, khu bảo tồn và các khu rừng phòng hộ như: Du lịch tâm linh, văn hóa – lịch sử – kiến trúc, du lịch MICE, du lịch sinh thái, trang trại, cây ăn quả, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, du lịch thông minh, du lịch ẩm thực…
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện việc lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch với nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích đầu tư theo thẩm quyền và quy định của pháp luật bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng mục tiêu và quy định của pháp luật.
Trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với các xã, phường, thị trấn, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về vai trò của việc phát triển, quản lý sử dụng bền vững các giá trị của hệ sinh thái rừng…
Hậu Thạch