BVR&MT – Sáng nay (7-6), tại TP Thái Bình, UBND ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên phối hợp tổ chức họp bàn quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba địa phương.
Qua tổng hợp, trong một năm qua, trên tuyến sông Hồng, sông Luộc giáp ranh ba tỉnh, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 74 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn hai tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hai tháng đối với hai trường hợp vi phạm, tịch thu hàng chục thiết bị khai thác cát… Hưng Yên là địa phương triển khai tuần tra, phát hiện và xử lý mạnh mẽ nhất khi đã xử phạt số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, tịch thu 17 đầu máy nổ và các dụng cụ khai thác.
Tuy nhiên, con số nêu trên vẫn chưa làm “giảm nhiệt” vi phạm trên các tuyến sông giáp ranh bởi các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng địa hình sông nước ngang nhiên hoạt động (kể cả ban ngày), khi lực lượng chức năng tới thì di chuyển sang địa phận tỉnh khác. Ngoài ra, việc xâm canh trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực bãi bồi trên sông xảy ra nhiều năm gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý địa giới hành chính cũng như việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý hành chính hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến sông giáp ranh, nhưng gặp rất nhiều vướng mắc, như: Địa giới hành chính giữa các tỉnh trên sông chưa được xác định rõ ràng, không có phao mốc nên khó khăn cho cơ quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát; các xã ven sông cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không đúng thẩm quyền; các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, đê điều và UBND cấp huyện không có phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Có thể thấy, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên sông hiện nay có rất nhiều ban, ngành tham gia, như: công an, giao thông, nông nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, công thương…, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. Tình trạng “cát tặc” lộng hành giữa ban ngày, trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý cương quyết vẫn xảy ra thường xuyên gây mất lòng tin trong nhân dân.
Nhằm lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản trên sông (chủ yếu cát, sỏi) vùng giáp ranh, đại diện các tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã thống nhất đẩy nhanh kế hoạch khôi phục lại mốc địa giới hành chính ba tỉnh để dễ theo dõi, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi. Thành lập các tổ công tác liên ngành ngăn chặn, xử lý khai thác cát trái phép trong khu vực giáp ranh và bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác. Công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cảnh sát đường thủy, UBND các xã ven sông Hồng, sông Luộc để nhân dân kịp thời thông tin, phản ánh hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.