BVR&MT – Với lợi thế đường bờ biển dài thuộc vùng biển nước sâu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đặt mục tiêu phát huy lợi thế kinh tế biển, nhằm “biến” Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của quốc gia.
Khai thác tài nguyên biển hiệu quả
Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 305 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… 5/8 huyện, thành phố của Bà Rịa – Vũng Tàu giáp biển. Bà Rịa – Vũng Tàu còn là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất hiện nay. Ðây cũng là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn thứ hai (sau Kiên Giang) với hơn 6.000 phương tiện đánh bắt; là một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển của Việt Nam… Với tiềm năng trên, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như khai thác dầu khí, du lịch biển, cảng biển, đánh bắt…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua, với những chủ trương, chính sách cụ thể, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai thác tiềm năng, tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương; đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhằm nhanh chóng đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.
Theo đó, tỉnh đã có những đầu tư cho việc phát triển hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành cảng biển đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm; trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Nhằm phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, để “tận dụng” hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD…
Trong lĩnh vực phát triển du lịch biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách, đó là thành phố Vũng Tàu, Long Hải và Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Cùng với phát triển kinh tế, Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển…
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã và đang xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển và hải đảo. Vì vậy, tỉnh cũng đã giao cho các Sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển các bến cảng thuộc cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh theo hướng bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái.
“Tỉnh cũng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương tiện, đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông biển như: Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 – TP Hồ Chí Minh, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo… Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển kết nối TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, sân bay Long Thành, Bình Thuận chạy dọc theo bờ biển với tổng chiều dài 76 km (qua 6/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh), giải quyết điểm nghẽn trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế biển liên hoàn, toàn diện giữa Bà Rịa – Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế”, ông Phạm Viết Thanh cho biết.
Liên kết để phát triển
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển, tuy nhiên trên thực tế việc khai thác và phát huy các lợi thế từ kinh tế biển vẫn còn khó khăn, hạn chế. Chẳng hạn như trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, dù là địa phương có số phương tiện khai thác thủy sản lớn thứ hai cả nước, nhưng số phương tiện hành nghề giã cào chiếm tới hơn 1.500 chiếc. Ðây là hình thức đánh bắt có tính tận diệt, không được tỉnh khuyến khích. Vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi thông báo đến tất cả cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn yêu cầu không nhận hợp đồng đóng mới đối với các loại tàu làm nghề giã cào. Tuy nhiên thực tế, hình thức khai thác này lại đóng góp tới gần 70% sản lượng khai thác thủy sản của địa phương. Việc chuyển đổi ngành nghề cho các lao động làm nghề giã cào cũng đang gặp nhiều khó khăn, không thể “một sớm một chiều” thực hiện được.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để quản lý chặt chẽ hoạt động của nghề giã cào, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp từ giã cào sang ngành nghề khai thác thủy sản khác.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển… tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Sở cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá lên công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.
Tỉnh cũng nhận thấy công tác quản lý, điều hành vẫn còn lúng túng, lỏng lẻo khi liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển kinh tế biển. Mới đây nhất, tại Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các cảng nước sâu với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực còn quá yếu kém, từ lâu đã trở thành điểm nghẽn của sự phát triển. Vì vậy, hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất cả nước này hằng năm chỉ khai thác được chừng 30 – 40% công suất, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của nhà nước và các nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay tỉnh đang đặt ta quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu vào 5 trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là thành phố Vũng Tàu, cụm du lịch Long Hải – Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh – Bà Rịa, cụm du lịch Bình Châu – Hồ Tràm và cụm du lịch Côn Ðảo… Tỉnh cũng tăng cường công tác rà soát các dự án du lịch chậm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư có đẳng cấp vào đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặt khác, để đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng tuyến đường ven biển nối thành phố Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận dài hàng chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư các dự án du lịch lớn đã tìm về đây, trong đó có không ít dự án có số vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, có tính dẫn dắt, định vị thương hiệu du lịch biển uy tín của tỉnh nhà.
Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã xác định phát triển du lịch là một trong các trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, vùng biển và ven biển từ Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Bình Châu của tỉnh và huyện Côn Đảo tập trung hoạt động du lịch của tỉnh. Trong đó, trục động lực kinh tế du lịch của tỉnh được định hình tại khu vực ven biển phía Đông Nam dọc tuyến đường ven biển Vùng Tàu – Bình Thuận, với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo…