BVR&MT – Cập nhật mới nhất của IUCN về tình trạng bảo tồn các loài cho thấy tương lai của tê tê khá ảm đạm.
Trong số tám loài tê tê đã được biết đến, hai loài tê tê châu Phi gồm tê tê bụng trắng sống trên cây (Phataginus tricuspis) và tê tê đất khổng lồ (Smutsia gigantea) được chuyển từ mức xếp hạng “Sắp nguy cấp” sang “Nguy cấp” trong Sách đỏ IUCN.
Một loài tê tê châu Á là tê tê Philippines (Manis Culionensis) thì được chuyển từ mức xếp hạng “Nguy cấp” sang “Cực kỳ nguy cấp”.
Vảy tê tê bị săn lùng ở thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam vì người dân tin rằng vảy có dược tính như lợi sữa, điều trị được bệnh thấp khớp và chứng viêm khớp.
Ở châu Phi, tê tê cũng bị săn bắt lấy thịt, còn ở Trung Quốc, thịt tê tê được coi là thực phẩm xa xỉ. Năm 2016, các nước đã bỏ phiếu đưa cả cả 8 loài tê tê vào Phụ lục I Công ước CITES để cấm buôn bán thương mại loài này. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán tràn lan các bộ phận tê tê vẫn tiếp diễn.
Mặc dù nạn săn trộm tràn lan, các nhà nghiên cứu biết rất ít về tê tê. Loài động vật này sống về đêm và khó khảo sát, không có nhiều thông tin định lượng về tình trạng quần thể của chúng trong tự nhiên.
Tuy nhiên, những gì các nhà bảo tồn biết là cả tê tê sống và vảy, thịt và các bộ phận cơ thể khác của chúng liên tục xuất hiện trong các vụ bắt giữ động vật hoang dã bất hợp pháp trên khắp thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy từ năm 2000 đến 2019, ít nhất 850.000 cá thể tê tê đã bị buôn lậu ở phạm vi quốc tế.
Mọi loài tê tê đều bị đe dọa tuyệt chủng và tình trạng của chúng chỉ ngày càng tệ hơn. Ba trong số bốn loài tê tê châu Á gồm tê tê vàng (Manis pentadactyla), tê tê Java (Manis javanica) và tê tê Philippines được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong khi tê tê Ấn Độ (Manis crassicaudata) được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ IUCN.
Cả bốn loài châu Phi – tê tê đất (Smutsia temminckii), tê tê bụng trắng sống trên cây, tê tê đất khổng lồ và tê tê bụng đen sống trên cây (Phataginus tetradactyla) – trước đây được xếp vào nhóm sắp nguy cấp thì theo cập nhật mới nhất của IUCN, hai trong số các loài này được chuyển lên nhóm bị đe dọa cao hơn.
Theo đánh giá của Nhóm chuyên gia về tê tê của IUCN, mất sinh cảnh rừng và trở thành đích ngắm của nạn săn trộm là nguyên nhân chính khiên tê tê suy giảm nói chung, đặc biệt là sự suy giảm số lượng tê tê châu Á.
Giám đốc chương trình quốc tế thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học Pang Sarah Uhlemann cho biết trong một tuyên bố: “Tê tê tiếp tục bị ảnh hưởng từ nạn săn trộm và buôn bán, loài này đang đứng trước tương lai tuyệt chủng không xa”.
Adam Peyman, Giám đốc chương trình động vật hoang dã thuộc Humane Society International đánh giá: “Sách Đỏ mới cập nhật đã minh họa nhu cầu hành động khẩn cấp để những động vật quyến rũ này không rơi vào cảnh tuyệt chủng… Mạng lưới buôn lậu ở mức toàn cầu, và vì vậy, phản ứng của chúng ta cũng phải ở cấp toàn cầu mới cứu được tê tê”.
Nhật Anh (Theo Mongabay)