BVR&MT – Cùng với nhóm giải pháp xử lý xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe còn lưu hành, cần có hai nhóm giải pháp khác để hạn chế khí thải xe máy là giảm dần lượng xe máy mới lưu thông; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện “xanh” như xe buýt điện, tàu điện…
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 65 triệu xe máy, riêng Hà Nội có khoảng 6 triệu chiếc; một phần không nhỏ trong số đó là xe máy cũ nát. Lượng khí thải độc hại từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp để giảm thiểu loại hình phương tiện này.
Xử lý xe cũ nát
Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu chiếc xe máy được đăng ký sử dụng, cùng với khoảng 2 triệu chiếc từ các địa phương khác đưa về hoạt động lưu thông thường xuyên, trong đó có tới gần 40% là xe máy cũ nát. Nghiên cứu gần nhất về chất lượng không khí do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện chỉ ra rằng, chỉ số ô nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của Hà Nội là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi PM2.5 gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Một khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Phần lớn lượng khói bụi độc hại phát thải ra môi trường không khí của TP bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ nát đang ngày ngày lưu thông trên đường. Bởi vậy, muốn giảm thiểu khí thải xe máy, biện pháp đầu tiên là phải tập trung xoá bỏ lượng xe cũ nát. Song song với đó rà soát, kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với khí thải của xe máy.
Muốn làm được như vậy, trước tiên Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan cần đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải xe máy, làm căn cứ cho việc loại bỏ xe cũ nát, kiểm soát các yếu tố kỹ thuật của xe còn niên hạn lưu hành. Việc đo nồng độ khí thải của xe máy rất dễ để thực hiện nhưng ngưỡng chuẩn bao nhiêu là an toàn với môi trường, bao nhiêu là cần thay thế, loại bỏ thì chưa có quy định cụ thể. Vấn đề này đã được Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đề xuất lên Chính phủ, Bộ TN&MT từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Việc hạn chế, xóa bỏ xe cũ nát gây ô nhiễm môi trường vì thế vẫn dậm chân tại chỗ.
Mặt khác, thiếu quy chuẩn về phát thải còn khiến việc kiểm soát đối với xe máy mới, xe còn niên hạn sử dụng cũng không thể thực hiện được. Trong khi số lượng xe ô tô chỉ chiếm khoảng 10% xe máy, việc kiểm định khí thải đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, thì xe mô tô 2 – 3 bánh lại vẫn bỏ ngỏ hoàn toàn công đoạn này.
Hạn chế xe máy cá nhân
Song song với nhóm giải pháp xử lý xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe còn lưu hành, cần có hai nhóm giải pháp khác để hạn chế khí thải xe máy là giảm dần lượng xe máy mới lưu thông; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện “xanh” như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện…
Nhóm giải pháp khả thi và có thể nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân hơn cả trong bối cảnh hiện nay là khuyến khích người dân chuyển đổi sang các phương tiện “xanh”. Ít năm qua, xe máy điện đã dần trở nên quen thuộc với người dân. Với ưu thế không phát thải, không tiêu tốn chi phí nhiên liệu như xe máy xăng, nếu có các biện pháp phù hợp, Hà Nội có thể kêu gọi người dân dần chuyển sang sử dụng loại hình này.
Cụ thể, TP cần tập trung xây dựng các hạng mục hạ tầng tiện ích cho xe máy điện như các trạm sạc công cộng, tạo điều kiện cho nhà sản xuất cung cấp thêm những vị trí sửa chữa xe máy điện… Chỉ khi các trạm sạc có số lượng tương đương với cửa hàng xăng dầu, xe điện mới thực sự trở nên tiện lợi và là lựa chọn ưu tiên của người dân.
Ngoài ra TP cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là tàu điện, xe buýt nhiên liệu sạch… để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Khi đó xe máy xăng sẽ tự giảm dần, việc hạn chế khí thải sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt và bền vững hơn.
Từ năm 2017, Hà Nội đã có kế hoạch hạn chế hoạt động của xe cơ giới cá nhân nói chung, xe máy nói riêng bằng cách phân vùng hoạt động hoặc thu phí xe cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, biện pháp này đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, do lo ngại những khó khăn bất cập trong quá trình di chuyển của người dân. Tuy nhiên đây là một trong những biện pháp cần thiết, không thể bỏ qua.
Nhưng muốn hạn chế xe máy cần chuẩn bị trước những điều kiện tốt nhất phục vụ người dân đi lại. Trong đó đặc biệt quan trọng là hoàn thiện, phát triển mạng lưới giao thông công cộng phủ đều và giá rẻ. Có một thực tế là các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội gặp quá nhiều vướng mắc, trong khi vai trò xương sống của nó lại rất bức thiết và không thể thay thế.
TP cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho đường sắt đô thị, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi xe buýt thường sang xe buýt nhiên liệu sạch, chất lượng cao để thu hút hành khách, khuyến khích người dân tự chuyển đổi phương tiện, nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường sống cho Thủ đô.