BVR&MT – Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đang tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trong năm 2022.
Huyện xác định, chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với nâng chất tiêu chí xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng lợi thế của từng xã, xác định cụ thể nhiệm vụ và đề xuất với tỉnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chung tay thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường; tích cực phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống mới, xây dựng thôn, bản văn hóa…
Đến nay 7/7 xã của huyện đạt chuẩn NTM; trong đó có 2 xã (Lương Mông, Minh Cầm) đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến cuối tháng 1/2022, huyện đạt 5/9 tiêu chí (Thủy lợi; Điện; Kinh tế; An ninh trật tự – Hành chính công…), 18/27 chỉ tiêu. Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM trong năm 2022, Ba Chẽ tập trung nâng cao chất lượng 5 tiêu chí với 18 chỉ tiêu đã đạt được; phấn đấu hoàn thành đạt 4 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch chi tiết đồng bộ với hệ thống quy hoạch chung, tổng thể vùng, phân vùng của tỉnh.
Trên cơ sở các danh mục dự án hạ tầng được phê duyệt đầu tư năm 2022, huyện tập trung hoàn thiện hồ sơ, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội (giao thông, nước sạch sinh hoạt, trường học, chỉnh trang cảnh quan trung tâm các xã…), phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn trước ngày 30/9/2022, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM. Đặc biệt tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông: Dự án cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ, tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng; Dự án nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 – đường tỉnh 342 – Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) – Khe Nà (xã Thanh Sơn) – Lang Cang (xã Đồn Đạc), tổng mức đầu tư trên 131 tỷ đồng; nhà đa năng, nhà vệ sinh, nhà ở nội trú và các hạng mục phụ trợ khác, tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng; nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng, tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng…
Đối với tiêu chí môi trường và chất lượng môi trường sống, huyện tiếp tục nâng cao phong trào cải tạo, cảnh quan không gian sống khu vực nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, gắn với xây dựng các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định trên 90%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh được thu gom, vận chuyển và xử lý trên 80%; duy trì hiệu quả mô hình thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình; 100% các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đủ điều kiện cấp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng về nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn đo lường, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, công bố tiêu chuẩn và dán tem truy xuất nguồn gốc; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết Vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; rà soát 8 địa điểm xây dựng khu trung chuyển rác thải sinh hoạt và 346 vị trí đặt thùng rác công cộng 3 ngăn để phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các xã, thị trấn…
Huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân chuyển biến về nhận thức trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, trong trồng cây gỗ lớn bảo vệ môi trường; trồng, chế biến dược liệu quý nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất và chế biến lâm sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các cơ chế chính sách hiện hành trong phát triển kinh tế rừng; phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2022 trồng trên 1.100ha rừng gỗ lớn (cây lim, giổi, lát trên 500ha; cây bản địa khác đạt trên 600ha); trồng được ít nhất 60ha cây dược liệu, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm cho cây ba kích tím và trà hoa vàng, xây dựng thương hiệu OCOP cấp quốc gia.
Huyện tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm; cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42%, hộ cận nghèo còn 7,93% (theo chuẩn giai đoạn 2022-2025); tạo việc làm mới đạt 550 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 81%; nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân, duy trì các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%, tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 90%, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt trên 40%; 51 giường bệnh/vạn dân, 11 bác sĩ/vạn dân…
Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện, Ba Chẽ tin tưởng vượt qua những khó khăn, thách thức, trở thành huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2022.