BVR&MT – Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay (4/7), trên khu vực miền Trung Philippines xuất hiện một vùng áp thấp.
Tối nay (04/7), vùng áp thấp đã vượt qua khu vực miền Trung Philipipines và đi vào Biển Đông.
Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,0-14,0 độ Vĩ Bắc; 118,5-119,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Nam.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 05/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến 19 giờ ngày 06/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phân tích trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam có xu hướng mạnh dần lên nên từ ngày mai (05/7), ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động; vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 1.
Theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó
Chiều 4/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành văn bản số 317/VTTT chỉ đạo ứng phó với vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông và thời tiết xấu trên vùng biển phía Nam.
Văn bản nêu rõ, chiều ngày 04/7, trên khu vực miền Trung Philippines xuất hiện một vùng áp thấp. Hồi 13h00, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,0-13,0 độ vĩ Bắc; 119,5-120,5 độ kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam, ngày 05/7, ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và thời tiết xấu trên vùng biển phía Nam, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp, gió mùa Tây Nam trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ ba, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bắc Bộ mưa lớn, đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 4/7, mưa và dông bao trùm các khu vực trong cả nước, riêng khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Phân tích về hiện tượng dông, lốc, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết, đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột. Khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn có khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn.
Hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố.
Người dân cũng lưu ý, trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.
Khi có dông thì ở miền núi thường xảy ra hiện tượng lở đất. Theo các chuyên gia, hiện tượng trượt lở đất thường xảy ra nhiều ở các sườn đồi, núi dốc, đường giao thông, hệ thống đê đập, các bờ mỏ khai thác khoáng sản, các hố đào xây dựng công trình…
Đây là loại hình tai biến thường có quy mô từ trung bình tới lớn, phạm vi phát triển rộng, diễn biến từ rất chậm (2- 5cm/năm) gây chủ quan cho con người, tới cực nhanh (lớn hơn 3m/s) làm cho con người không đối phó kịp.
Đất, đá trượt lở từ vài chục vạn m3 tới 1 – 2 triệu m3, trườn đi xa tới 0,5 – 1 km, đủ lớn để chặn dòng sông suối, dòng nước, tạo nên lũ quét nghẽn dòng, đặc biệt nguy hiểm cho các cụm dân cư ở hạ du.
Diễn biến thời tiết cụ thể như sau: Phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (thời gian mưa tập trung vào đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, có nơi dưới 24 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Nam đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Thủ đô Hà Nội đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Nam đến Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-28 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 27-30 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng – Bình Thuận phía Bắc chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, phía Nam chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất tại Tây Nguyên 21-24 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tại Nam Bộ 25-28 độ C.