BVR&MT – Dư luận tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An những ngày qua đang xôn xao trước thông tin một khu sinh thái hoành tráng mọc lên trên diện tích hàng ngàn m² đất lâm nghiệp. Điều đáng nói, mặc dù không được bất cứ cơ quan nào cấp phép nhưng khu du lịch sinh thái này vẫn được “mọc” lên và hoạt động được gần một năm nay mà cơ quan chức năng không hề hay biết?
Đất lâm nghiệp “mọc” công trình “khủng”
Từ trung tâm thị trấn Anh Sơn, ven theo con đường nhỏ liên bản, cách cột mốc biên giới khoảng chừng 20 km, phóng viên đến bản Vều I (thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Ngay từ đường vào gần Đồn biên phòng Phúc Sơn đã đập vào mắt biển hiệu to giới thiệu: “Khu du lịch sinh thái Cây Sung” bắt mắt với lời giới thiệu các dịch vụ thu hút khách dừng chân. Tại vị trí này, không khó để nhìn thấy một khu du lịch sinh thái Cây Sung “khủng” đã được xây dựng trong một thung lũng thơ mộng, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống rừng xanh bạt ngàn nơi giáp ranh vùng biên giới.
Theo dân bản địa thì khu du lịch sinh thái Cây Sung kể trên là của ông Nguyễn Ngọc Đồng, trú tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn xây dựng và kinh doanh. Theo ghi nhận, tại khu du lịch sinh thái Cây Sung này có nhiều công trình đã được xây dựng với quy mô lớn. Trong đó bao gồm một tòa nhà khang trang cùng một số căn phòng nhỏ gồm có các dịch vụ như nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke…
Qua quá trình khảo sát, phóng viên Báo chí điện tử Bảo vệ rừng và Môi trường ghi nhận khu du lịch này được xây dựng trên diện tích đất rừng hàng ngàn m², đường vào, cổng, sân làm bằng bê tông vững chắc, khu phục vụ gồm có một khu nhà hai tầng và một nhà ngang cấp 4, có các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, bơi lội… thực đơn phục vụ cho du khách tới nghỉ ngơi có đầy đủ từ đồ rừng đến đồ biển.
Tiếp xúc với các hộ dân quanh khu vực phóng viên được biết khu du lịch này rất đông khách. Khách đến đây vì muốn được hưởng thụ không khí trong lành, muốn tìm hiểu về cảnh đẹp nơi rừng núi khu vực biên giới, tắm mát trong rừng và ăn các đặc sản rừng như lợn rừng, nhím, kỳ đà…
Men theo khu vực bà con dân bản sinh sống gần khu du lịch sinh thái Cây Sung, một người đàn ông chừng khoảng 50 tuổi tại bản Vều 1, xã Phúc Sơn cho hay: “Các chú đến khu du lịch sinh thái Cây Sung hưởng thụ à? Chỗ đó được đó các chú, nhiều dịch vụ hát hò ăn nghỉ, tắm suối lắm… đồ rừng đồ biển gì cũng có, không khí lại trong lành, khách khứa vào ra, ăn uống cũng khá đông”.
“Nghe nói là họ xây dựng khu này không có giấy phép, mà đất đó là đất lâm nghiệp và khu vực biên giới, thế nhưng hoạt động hơn một năm nay vẫn không có bất kỳ cơ quan chức năng nào vào xử lý?”, người đàn ông này cho biết thêm.
Càng xử phạt càng vi phạm, chính quyền càng bất lực?
Một khu du lịch được “mọc” lên trên đất lâm nghiệp và hoạt động ngang nhiên trong khu vực biên giới, khiến ai ai nhìn thấy cũng không khỏi ngỡ ngàng và đặt nhiều câu hỏi.
Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa (con trai thứ của ông Đồng) có mặt tại Khu du lịch Cây Sung cho biết: “Khu này gia đình em làm được hơn một năm nay. Trước đây gia đình dựng một nhà sàn bằng gỗ 2 tầng, hoạt động được một thời gian thì bị một trận lũ cuốn trôi. Sau khi bị cuốn trôi, gia đình em quyết định đổ bê tông xây kiên cố luôn”.
Không chỉ xây dựng một công trình “đồ sộ” để hoạt động kinh doanh và trở thành khu du lịch không phép ngay trên diện tích đất lâm nghiệp của huyện Anh Sơn, mà tại khu vực này, để xây dựng một khu du lịch sinh thái thoáng mát, cảnh quan đẹp, nhiều loại cây cũng đã bị những cá nhân này “ngang nhiên” hạ đốn không thương tiếc.
Qua quá trình làm việc, thượng tá Trương Xuân Hoạt, Đồn trưởng đồn biên phòng Phúc Sơn cho phóng viên biết: “Phía đồn chỉ quản lý tình hình trật tự trên địa bàn, trước lúc khu sinh thái Cây Sung xây dựng, phía đồn cũng đã nhắc nhở cá nhân, nếu làm công trình khu du lịch phải có giấy phép. Bên cạnh đó, đồn cũng đã tham mưu với cấp địa phương xã cũng như UBND huyện về vấn đề này để đưa ra phương hướng giải quyết kịp thời”.
Để tìm hiểu sâu hơn về việc khu du lịch sinh thái không phép “mọc” trên đất lâm nghiệp, phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Phúc Sơn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng – Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: “Đó là đất lâm nghiệp UBND tỉnh giao cho xã quản lí từ năm 2010. Năm ngoái ông Đồng làm nhà sàn, xã đã vào kiểm tra và đình chỉ. Sau đó bị lũ cuốn, chúng tôi cứ nghĩ lũ cuốn trôi tài sản lớn như vậy ông sẽ không dám xây dựng nữa. Ai ngờ ông vẫn xây tòa nhà lớn giữa lòng suối để làm khu du lịch sinh thái”.
Ông Tráng cũng trình bày, phía UBND xã cũng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản và các thủ tục hồ sơ ban đầu theo quy định. Qua việc kiểm tra cũng đã thông báo rõ hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng và việc tự ý xây dựng công trình trái phép trên diện tích vi phạm.
“Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành lập biên bản và yêu cầu gia đình dừng ngay mọi hoạt động xây dựng và kinh doanh tại khu du lịch sinh thái Cây Sung của ông Nguyễn Ngọc Đồng. Tuy nhiên phía cá nhân ông Đồng vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động kinh doanh”, ông Tráng nói.
Tiếp đó, trong buổi làm việc với phóng viên, ông Hoàng Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn thông tin: “Về vấn đề này, huyện đã chỉ đạo rất nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định, xử phạt hành chính đối với cá nhân ông Nguyễn Ngọc Đồng về việc tự ý xây dựng khu du lịch sinh thái trái phép trên đất lâm nghiệp”.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi: “Khu du lịch sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Đồng xây dựng trên đất lâm nghiệp gần khu vực biên giới, cách đồn biên phòng Phúc Sơn không đầy 1km, phía UBND huyện có nhận được báo cáo phản ánh và tham mưu của đơn vị này hay không?” thì được ông Cường thẳng thắn khẳng định “Từ khi khu du lịch sinh thái Cây Sung khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, phía huyện chưa nhận được phản ánh nào từ đồn biên phòng Phúc Sơn cả”.
“UBND huyện sẽ vận động hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Đồng thực hiện nghiêm túc về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, đồng thời tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên thửa đất lâm nghiệp thuộc số 71, tờ bản đồ số 04 thuộc bản Vều 1, xã Phúc Sơn. Nếu như gia đình ông Đồng không tự giác tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép này, UBND Huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, thực hiện các bước trình cấp thẩm quyền thi hành cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp này”, ông Cường cho hay.
Đất lâm nghiệp bỗng dưng trở thành khu du lịch sinh thái, còn chính quyền địa phương suốt gần 1 năm qua vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Có hay không việc người vi phạm được cán bộ có trách nhiệm bao che? Hay chính quyền địa phương bất lực trước hành vi sai phạm rõ như ban ngày của người vi phạm?
Thiết nghĩ, chính quyền huyện Anh Sơn cũng như UBND tỉnh Nghệ An cần vào cuộc xem xét vụ việc, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Đình Nguyên