BVR&MT – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cập nhật nhanh đến 7 giờ ngày 8/9, đã có 121.500 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Diện tích lúa, hoa màu bị ngập, hư hại tập trung tại: Thái Bình 76.345 ha; Hải Phòng 6.750 ha; Hải Dương 11.200 ha; Bắc Ninh 8.977 ha; Hà Nội 6.218 ha; Nam Định 2.800 ha; Hưng Yên 11.923 ha; Hà Nam 7.418 ha… Diện tích cây ăn quả bị hư hại tập trung tại Hải Phòng 1.000 ha; Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.818 ha…
Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Bộ, trên hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, các đơn vị quản lý đang vận hành 9 trạm bơm với 79 máy để tiêu nước. Một số trạm bơm bị mất điện từ đêm qua nên chưa thể vận hành (Nhân Hòa, Vĩnh Trị I).
Trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, do sự cố mất điện ở tỉnh Hải Dương nên ảnh hưởng đến việc vận hành của các công trình thủy lợi trong hệ thống.
Tại khu vực Bắc Bộ, tính đến 7h ngày 8/9, các địa phương hiện đang vận hành 181 trạm bơm với 709 máy bơm.
Các tỉnh, thành phố, khu vực còn bị mất điện chưa thể tập trung vận hành công trình tiêu úng bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Đuống (Bắc Ninh). Lãnh đạo các tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục sự cố để vận hành tiêu nước ngay khi điều kiện cho phép.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, các địa phương hiện vận hành 23 công trình tiêu úng (15 cống và 8 trạm bơm). Trong số đó, Công ty Bắc sông Mã vận hành 20 công trình; Công ty sông Chu vận hành 3 trạm bơm tiêu: Đông Tân, Đông Thịnh, Đồng Nhâm.
Theo Cục Thủy lợi, đến nay không có báo cáo về sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Các hồ chứa hiện an toàn.
Dung tích bình quân của các hồ chứa thủy lợi tại khu vực Bắc Bộ đạt từ 80 – 96% dung tích thiết kế. Các hồ đang vận hành xả tràn: hồ Tràng Vinh, hồ Yên Lập, hồ Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh); hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Các hồ chứa lớn như: hồ Đại Lải, hồ Cấm Sơn cũng đang vận hành xả, lượng nước trong các hồ đạt từ 87 – 89% dung tích thiết kế.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích bình quân của các hồ đạt từ 43 – 65% dung tích thiết kế. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đang vận hành xả tràn; hồ Cửa Đạt xả qua nhà máy phát điện; hồ Tả Trạch cũng đang xả.
Cục Thủy lợi kiến nghị, các hồ vận hành như hiện trạng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm, cục bộ có nơi đến 350 mm.
Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, do vẫn còn sóng to, gió lớn nên tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.
Các địa phương triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tầu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương.
Địa phương tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…
Các đơn vị tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão; tập trung vận hành tiêu úng cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp…
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các địa phương, đơn vị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông…