BVR&MT – Dịch COVID-19 được kiểm soát, khách du lịch chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, điều kiện vệ sinh. Đồng thời, nhu cầu về các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp với không gian biệt lập hay du lịch gần, du lịch ngắn ngày… gia tăng.
Theo các chuyên gia, du lịch sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu với nhiều người dân trên thế giới sau thời gian dài bị hạn chế đi lại vì COVID-19. Bởi vậy, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch rõ ràng nhất, nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Nếu nắm bắt được xu hướng du lịch mới, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, vượt qua các quốc gia khác trong khu vực để chiếm thị phần lớn hơn trong làng du lịch thế giới.
Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên đã cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
COVID-19 đã tạo ra “cú sốc lớn” chưa từng có cho ngành du lịch. Xin ông cho biết, thị trường du lịch sẽ có những thay đổi gì khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát?
Khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi nhu cầu của khách du lịch và dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi. Khách du lịch sẽ chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; xu hướng đi du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước. Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao; xu hướng muốn du lịch biển và thiên nhiên tăng lên nhanh chóng; khách lựa chọn đi ngắn ngày, gần nơi sinh sống và 70% là lựa chọn đi cùng nhóm nhỏ, bạn bè; cuối cùng là xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với các nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến, trong đó có tới 62,1% muốn đi du lịch tự túc.
Thị trường du lịch được dự đoán sẽ chuyển dịch từ chú trọng tới thị trường du lịch quốc tế sang đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa. Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần đảm bảo đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp để đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng, mặc dù là mức độ tăng chậm trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần sớm nắm bắt tâm lý khách hàng, tăng cường chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh du lịch so với thế giới và khu vực để kịp thời “đi trước đón đầu”, tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ.
Năm 2019, khách quốc tế mang lại cho ngành du lịch Việt Nam doanh thu 421.000 tỷ đồng (18 tỷ USD), vượt qua doanh thu từ khách nội địa (334.000 tỷ đồng, tương đương 14,5 tỷ USD). Có thể nói, thị trường du lịch sẽ khó có thể phục hồi nếu thiếu du khách quốc tế. Theo ông, ngành du lịch cần có những giải pháp gì để phục hồi du lịch quốc tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát?
Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng kỷ lục 2 con số vào năm 2019. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến lượng khách quốc tế giảm sâu chưa từng có sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp “siết chặt” phòng chống dịch như: hạn chế đi lại, tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài… 8 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 67,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát trên thế giới. Để từng bước phục hồi hoạt động du lịch quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Du lịch cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh truyền thông về tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam: Khẳng định Việt Nam cam kết khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy trong khu vực; các điểm đến đã mở cửa trở lại cho du lịch nội địa và sẵn sàng các điều kiện đón khách quốc tế.
Hai là, triển khai các ứng dụng trên điện thoại thông minh kết hợp với bản đồ số để khách du lịch tiếp cận nhanh thông tin cập nhật về các khu vực có bệnh nhân, khu vực cách ly để cảnh báo công khai cho du khách.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động marketing số: Tiếp tục triển khai Chiến dịch “Explore Vietnam at home Today, Visit Someday” gồm các hoạt động truyền thông truyền cảm hứng thông qua mạng xã hội; các cuộc thi video clip, thi ảnh; các hoạt động giải trí trực tuyến gắn với văn hóa Việt Nam, du lịch qua công nghệ thực tế ảo; tổ chức webinar nhằm cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh, xu hướng mới trong hành vi tiêu dùng du lịch, các sản phẩm, phân khúc thị trường tiềm năng, dự báo các kịch bản phục hồi một số thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam cho các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan của Việt Nam.
Bốn là, xây dựng bộ ấn phẩm quảng bá du lịch mới với hình thức, thiết kế, nội dung, ngôn ngữ phù hợp với xu hướng tìm kiếm thông tin hiện nay của thị trường.
Có ý kiến cho rằng dịch COVID-19 là dịp để tái cấu trúc ngành du lịch. Vậy theo ông, ngành du lịch nên bắt đầu từ đâu?
Đại dịch COVID-19 như một phép thử cho ngành du lịch. Nhìn nhận một cách khách quan thì đây cũng là dịp để biến “nguy” thành cơ, là cơ hội để cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch…
Việc ứng dụng công nghệ để phát triển ngành du lịch cũng là một giải pháp ưu việt. Là một trong những ngành kinh tế dịch vụ rất dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, ngành du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, quản trị thông minh để từng bước hội nhập và phát triển, vượt qua những khủng hoảng khó khăn trước mắt. Ngành du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý và phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập “hệ sinh thái du lịch thông minh”. Công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp tính toán được xu hướng nhu cầu của khách. Thành công bước đầu của những sàn giao dịch du lịch trực tuyến “made in Vietnam” như ivivu.com, yeudulich.com,… đã trở thành điểm nhấn về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tái cấu trúc thị trường, thiết kế sản phẩm du lịch tập trung vào: du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (biển, núi); du lịch sinh thái, du lịch xanh quan tâm đến phát triển bền vững, gần gũi với thiên nhiên; du lịch chăm sóc và rèn luyện sức khỏe; các trải nghiệm sống chậm và thư giãn, du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; các trải nghiệm tự do khám phá.
Tuy nhiên, để phòng tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình tái cơ cấu thị trường, sản phẩm du lịch, các doanh nghiệp du lịch dịch vụ cần tính toán cẩn trọng theo hướng không để bất cứ thị trường nào giữ vai trò chi phối, đồng thời tăng tổng thu từ du lịch. Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, để khách lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều hơn là mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài, vượt qua khó khăn trong thời gian tới.