BVR&MT – Liên quan đến vụ việc 36 container hạt điều xuất khẩu đi Italy có dấu hiệu bị lừa đảo, ngày 16/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, hiệp hội và các doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giải quyết nhưng chưa có nhiều tiến triển, trong khi đó doanh nghiệp đang bị bủa vây bởi rất nhiều chi phí phát sinh.
Cập nhật thông tin các container xuất khẩu hạt điều đi Italy, hiện có 36 container đã và đang trên đường tới Italy được xác nhận mất bộ chứng từ gốc, 6 container được doanh nghiệp kịp thời giữ lại ở Singapore và số còn lại đang trên đường vận chuyển đến Italy.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, nếu mất trắng 36 container thì thiệt hại của các doanh nghiệp là 162 tỷ đồng còn nếu giành lại được quyền kiểm soát thì doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm phương án để xử lý. Khi đó, các doanh nghiệp phải chọn một trong hai phương án là kéo hàng về lại Việt Nam (từ Singaore và Italy) hoặc tìm khách hàng mới để bán.
Nếu chọn kéo hàng về, doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ chi phí vận chuyển lượt đi là 14.000 USD/container và chi phí lượt về chưa xác định được cộng với các loại phí lưu container, lưu cảng trong thời gian hàng phong tỏa. Phương án tìm khách hàng mới để bán cũng không dễ vì số lượng hàng lớn so và thuộc phân khúc điều nhân chất lượng cao. Ngoài ra, bán trong hoàn cảnh bị động nên người bán dễ bị người mua ép giá, chưa kể những chi phí phát sinh về vận tải, phí cảng, thay đổi bao bì… theo yêu cầu người mua mới.
Về động thái của các bên liên quan, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết, đại diện Công ty môi giới Kim Hạnh Việt đã chủ động gửi thông tin giải trình đến Vinacas, hiện chưa có cơ sở để xác định đơn vị này lừa đảo. Các hãng tàu và cơ quan chức năng của Italia đã có hỗ trợ để phong tỏa một số container điều cập cảng tại Italy. Tuy nhiên, theo quy định, việc phong tỏa này có giới hạn về thời gian. Do đó, các doanh nghiệp vẫn chạy đua với thời gian để tìm kiếm thông tin về các bộ chứng từ gốc. Các doanh nghiệp cũng đã thuê luật sư tại Italy để tư vấn các thủ tục pháp lý, trong trường hợp không tìm được bộ chứng từ gốc thì tiến hành các biện pháp xác minh, đối chiếu nhằm xác nhận doanh nghiệp Việt Nam là chủ lô hàng. Những ngày tới, Vinacas tiếp tục làm việc với Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Bộ Giao thông vận tải để kiến nghị cơ quan thương mại Italy và các hãng tàu có giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.
“Đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều, cũng như lĩnh vực xuất khẩu nông sản từ trước đến nay. Qua vụ việc Vinacas cũng đưa ra nhiều cảnh báo, tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường, người mua, nhà môi giới để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các tình huống tương tự”, ông Nhựt thông tin thêm.