BVR&MT – Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, từ đầu mùa khô 2021 – 2022 đến trung tuần tháng 3/2022 này, chưa ghi nhận thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do hạn mặn gây ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn giúp nông dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã đưa vào vận hành, chủ động kiểm soát nguồn nước. Cống Cái Bé đóng kín từ ngày 06/02/2022, đảm bảo khống chế độ mặn tại trạm Trâm Bầu (Châu Thành) dưới 1‰, chủ động mở xả ô nhiễm khi thủy triều xuống, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất. Việc vận hành đóng cống Cái Bé cùng với cụm công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên đã tạo điều kiện giữ được khá lớn lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về qua các kênh trục nên mực nước nội đồng trong các khu vực này thường giữ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, hạn chế xâm nhập nhập mặn tại các cửa kênh chưa có công trình ngăn mặn.
Mặt khác, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Đất – Kiên Lương, các địa bàn huyện Giang Thành, thành phố Rạch Giá và ven sông Cái Bé, vùng U Minh Thượng, dự án thủy lợi Ô Môn – Xà No để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 – 2022. Chi cục Thủy lợi thông tin về tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Chi cục Thủy lợi xây dựng kế hoạch gia cố, đắp mới 70 đập đất ngăn mặn theo thời vụ trên địa bàn các huyện trong vùng bị ảnh hưởng mặn và đến nay đã đắp 49 đập đất, số còn lại sẽ tiếp tục đắp tùy theo diễn biến khô hạn và xâm nhập mặn tại các địa phương trong thời giam tới.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho hay, dự báo xâm nhập mặn ở Kiên Giang xấp xỉ trung bình nhiều năm, mặn xâm nhập mạnh tiếp tục có xu thế gia tăng cho đến hết tháng 4/2022, độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 4/2022 khả năng tương đương mùa khô 2020 – 2021, vì vậy, nông dân cần chú ý các đợt xâm nhập mặn mạnh là từ 22 – 25/3, 04 – 07/4 và 20 – 22/4.
Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, kịp thời thông báo tình hình mặn, nguồn nước, mực nước… cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt, ứng phó hiệu quả với tình huống xấu, bất lợi có thể xảy ra.
Cùng với đó, các huyện, thành phố tuyên truyền vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước hợp lý, khuyên cáo nông dân không nên xuống giống vụ Xuân Hè 2022 để đảm bảo nước tưới cho các vùng bị hạn chế và tránh bị thiệt hại vào cuối vụ.
Hòn Đất là địa phương có diện tích sản xuất gieo trồng và sản lượng lúa hàng năm lớn nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang. Vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022, tổng diện tích xuống giống của huyện hơn 80.000 ha, đạt trên 100% kế hoạch và đến nay đã thu hoạch hơn 6.000 ha, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha.
Nông dân Nguyễn Văn Mười ở xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Điều kiện thời tiết tới thời điểm này rất thuận lợi cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Hầu hết bà con ở đây gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gia cố bờ bao, ngăn mặn, giữ ngọt, kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới vào đồng ruộng, sử dụng phân bón hợp lý… nên cây lúa trên đồng phát triển rất tốt, không bị khô hạn, thiếu nước tưới, ít bị sâu bệnh gây hại, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.”
Trao đổi với nhiều nông dân trên vùng phía Bắc Quốc lộ 80, huyện Hòn Đất, bà con rất phấn khởi, gần như không còn lo xâm nhập mặn gây hại, an tâm sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2021 – 2022 và những loại cây trồng, vật nuôi khác.
Theo nông dân nơi này, vùng phía Bắc Quốc lộ 80 là vùng sản xuất ven biển, những năm trước đây, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô, gây tổn thất trong sản xuất vụ mùa, nhất là khi lúa đang giai đoạn đòng trỗ trở về cuối vụ mà gặp khô hạn, thiếu nước, mặn xâm nhập thì thiệt hại nặng, có hộ gia đình mất trắng tay, không thu hoạch được hột lúa nào.
Riêng mùa khô năm nay, nông dân bớt đi nỗi lo tình trạng xâm nhập mặn gây hại, an tâm sản xuất do tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, giữ ngọt để bảo vệ và phát triển sản xuất lúa vụ Đông Xuân.