BVR&MT – Những ngày qua, khi giá vàng tăng liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục thì cũng là lúc người dân chen chân mua – bán vàng. Bất chấp việc giá vàng hiện đã cao ngất ngưởng, nhiều người vẫn tìm mua vàng với hy vọng tiếp tục nóng và họ có thể chốt lời ở mức cao hơn.
Sáng 8/3, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,4 triệu đồng/lượng (bán ra), đây là mức giá kỷ lục từ trước tới nay. Dù vậy, thị trường vàng thời điểm này đầy rủi ro và không dễ kiếm lời. Giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi 19,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới liên tục tăng cho thấy giá vàng tại Việt Nam đang “chạy trước” giá vàng quốc tế.
Đơn cử, khi giá thế giới lập đỉnh lịch sử 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020, giá trong nước cũng lập đỉnh 62 triệu đồng. Đến lúc này, giá thế giới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce, thậm chí còn giảm nhẹ 0,9 USD trong sáng 8/3 nhưng giá vàng SJC đã lên tới hơn 74 triệu đồng/lượng.
Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/NĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng quản lý, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, với nguồn cung giới hạn, thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng SJC càng khiến giá bị đẩy lên cao. Nhu cầu vàng trong nước cao cũng sẽ đẩy giá vàng lên do không có sự liên thông với thị trường thế giới, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ vàng, tạo ra sự mất cân đối giữa thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng đang bị các công ty nắm thị phần lớn “bơm” lên nhanh hơn đà tăng của thế giới.
Bên cạnh đó, người mua vàng trong nước lúc này phải chịu rủi ro kép đó là chênh lệch giữa giá mua – bán cao chưa từng có, 2,4 triệu đồng/lượng. Đồng nghĩa với việc nếu mua vào bán ra ngay sẽ bị lỗ ngay 2,4 triệu đồng. Hoặc phải chờ giá lên thêm 3-4 triệu đồng nữa thì mới có lãi. Phải chăng chính các DN vàng cũng thấy không an toàn nên mới neo mức chênh lệch lớn trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh để đẩy rủi ro về phía khách hàng. Biên độ này nằm trong tay các công ty kinh doanh vàng tùy ý điều chỉnh miễn có lợi nhất cho họ.
Theo các chuyên gia, diễn biến giá vàng hiện nay là rất khó đoán định do việc tăng giảm phụ thuộc hoàn toàn vào bất ổn Nga – Ukraine. Giá vàng có thể đi lên nhưng nếu giới đầu tư bình tĩnh lại và thực hiện bán chốt lời cũng có thể khiến giá giảm sau đó. Hoặc trong trường hợp tình hình Nga – Ukraine xoay chiều, người mua vàng vùng giá thấp đổ ra bán thì giá vàng miếng SJC sẽ nhanh chóng xì hơi. Không một ai có thể đoán định được “đỉnh giá” sẽ ở đâu, lúc nào, để kịp “quay xe”. Khi vàng đảo chiều, các DN kinh doanh sẽ dùng các biện pháp phòng hộ để bảo toàn lợi nhuận, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Đến chiều 8/3, trong khi giá thế giới tăng lên 2019 – 2020 USD/ounce, giá vàng trong nước lại ngược chiều giảm xuống sâu, mỗi lượng mất 2,2 triệu đồng xuống 72,2 triệu đồng. Những ai trót mua phiên buổi sáng đã mất hơn 2 triệu/lượng.
Hiện giá vàng thế giới và trong nước ghi nhận biến động liên tục. Do vậy, người mua vàng lúc này nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận. Các chuyên gia kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần khuyến cáo người dân tránh mua đuổi vàng SJC khi giá đang cách biệt quá lớn so với các loại vàng nhẫn, vàng trang sức 24K và giá vàng thế giới, đồng thời nỗ lực đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới.