BVR&MT – Sở hữu trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng, Sông Năng như một điểm nhấn của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Một cảnh quan vô cùng tuyệt đẹp mà hễ ai đã từng đi qua sẽ không thể nào quên…
Nằm trên một địa hình vô cùng đặc biệt, nơi giao thoa giữa hợp lưu của 2 dòng sông – sông Gâm và sông Năng, nhánh sông Năng sở hữu trong mình những khu rừng nguyên sinh chạy dọc theo hai bên bờ mà hiếm nơi nào có được; bàn tay của tạo hóa đã kiến tạo cho nơi đây vẻ đẹp mỹ miều và đa dạng, mang sắc thái riêng của một miền sơn cước…
Bắt đầu từ bến thủy Na Hang, trải qua những đoạn đường sông quanh co uốn lượn, không khí trong lành khiến chúng ta tưởng như lạc vào một thế giới khác. Người dân Na Hang vẫn thường đi lại bằng thuyền trên dòng sông Năng để đi từ từ thị trấn Na Hang đến xã Yên Hoa, bởi vậy không khó khi tìm kiếm một chiếc thuyền để bắt đầu hành trình thưởng ngoạn, khám phá cảnh sắc sông Năng. Ngồi trên thuyền, tận mắt ngắm nhìn những cánh rừng in bóng xuống dòng sông, chiêm ngưỡng những cây cổ thụ xòe tán xanh tốt mới thấy hết vẻ đẹp mà thiên nhiên nơi đây ban tặng…
Không chỉ có cảnh đẹp, nhánh sông Năng còn đi qua khu vực rừng đặc dụng – khu bảo tồn Tát Kẻ với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, chỉ tính riêng thực vật đã có 2.000 loài, trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: trai, mun, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, đặc biệt là hàng trăm cây nghiến có đường kính từ 2 đến 3m sừng sững dọc hai bên bờ, phủ tán rộng và nổi bật hẳn so với các cây khác trong rừng.
Điểm nhấn cho những cung đường sông tại đây là những dãy núi đá vôi được bao phủ bởi các loài cây. Ngay sát dưới mép nước là những phiến đá vôi trầm mặc chạy dài theo hai bên dòng sông, tạo nên nét hoang sơ mà kỳ bí giữa chốn đại ngàn.
Màu sắc của rừng tại đây cũng hết sức độc đáo; vào mùa xuân, khu rừng bừng nở những loài hoa đầy màu sắc: trắng, vàng, đỏ, cam,…thậm chí, những chiếc lá non cũng đỏ như lửa; mùa thu, màu vàng của những loài cây rụng lá xen kẽ với màu xanh ngút ngàn của những loài cây khác khiến không gian sinh động đến lạ thường…
Với một con số đáng tự hào, Na Hang đang sở hữu tổng diện tích rừng 68.837,9 ha (rừng đặc dụng 21.080 ha, rừng phòng hộ hơn 21.628 ha, rừng sản xuất hơn 24.249 ha và diện tích ngoài 3 loại rừng 1.880,2 ha), độ che phủ của rừng đạt tới 79,7 %.
Đây là môi trường sống lí tưởng này là nơi cư trú của rất nhiều loài động vật quý hiếm với 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài ếch nhái và 90 loài thú, trong đó có 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa… Cảm giác được nhìn thấy một con chồn ra bờ sông uống nước, những đàn cò trắng chao nghiêng trong nắng chiều hay một cánh chim sải cánh bay qua mũi thuyền, hay những đàn bướm trắng đậu hàng đàn trên các bờ sông có lẽ hiếm nơi nào có được giống như ở sông Năng.
Ngoài ra, cảnh sắc nơi đây vẫn hàng ngày duy trì sự ổn định về khí hậu, giúp phòng tránh thiên tai cho huyện Na Hang nói riêng và cả tỉnh Tuyên Quang nói chung…Nếu ai đã từng đến với Tuyên Quang, thăm thắng cảnh Na Hang thì sông Năng chắc sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua, để quên đi sự bộn bề của cuộc sống và hòa vào thiên nhiên tĩnh mịch, xốn xang đến lạ kỳ…
Xuân Mạc