BVR&MT – Văn hóa ở động vật (Animal culture) liên quan đến lý thuyết về hành vi học tập ở động vật không phải con người, thông qua các hành vi trao truyền kiến thức mang tính xã hội.
Năm 1840, các nhà khoa học phương Tây đã có những nghiên cứu về hành vi đập vỡ vỏ hạt ở tinh tinh. Kể từ đó đến nay, việc động vật có thể học tập, thay đổi tập tính để thích nghi với môi trường sống đã được chứng minh ở nhiều loài, từ linh trưởng tới cá heo, quạ, thậm chí là bạch tuộc.
Việc phát hiện những hành vi này đã phá vỡ ranh giới nhận thức ngăn cách giữa con người và động vật, dẫn đến khẳng định phổ biến hơn rằng không chỉ loài người, động vật cũng có khả năng học tập và hình thành văn hóa.
Hành vi đập vỡ vỏ hạt ở tinh tinh, những bài hát của cá voi lưng gù hay kiến thức truyền qua nhiều thập kỷ ở loài voi đều là những tập tính quan trọng của các loài động vật mà các nhà khoa học, nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý tới trong các nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã.
Hành vi đập vỡ vỏ hạt ở một số chi tinh tinh đã có ở các khu rừng Tây Phi từ hơn 4.000 năm trước. Liệu khả năng truyền lại và mài dũa hành vi đập vỡ vỏ hạt qua hàng thiên niên kỷ có giúp loài động vật này được ưu tiên cao hơn trong các hoạt động bảo tồn? Giá trị của các tính trạng đó đối với nhu cầu bảo vệ sự đa dạng nguồn gen cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của loài?
Năm 2017, Công ước về Bảo tồn các loài Động vật Hoang dã Di cư (một hiệp ước môi trường của Liên hợp quốc) đã kêu gọi đưa văn hóa của động vật vào các biện pháp bảo tồn một cách mạnh mẽ hơn. Một quy trình năm bước đã được đề xuất bắt đầu bằng việc xây dựng sự đồng thuận về lý do tại sao văn hóa ở động vật nên được bảo tồn, và kết thúc bằng việc phát triển các chiến lược cụ thể gắn với “hành động cụ thể”.
Erin Wessling, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về sinh học tiến hóa của con người tại Đại học Harvard và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Các nền văn hóa ở động vật đã trở thành một chủ đề nóng trong giới bảo tồn động vật hoang dã và nhiều phương án đã được đề xuất để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất. Chúng tôi thấy cần có những định nghĩa rõ ràng hơn trong việc áp dụng văn hóa ở động vật trong bảo tồn và hi vọng có nhiều ý tưởng hơn để định hướng các thảo luận về vấn đề này cũng như các bước tiếp theo.”
Trong nghiên cứu công bố hồi đầu tháng 1, nhóm của Erin đưa ra một quy trình với “các mốc có thể đạt được” để cân nhắc thiết lập các biện pháp bảo tồn dựa trên văn hóa ở động vật.
Thông thường, các quyết định về bảo tồn thường dựa trên các số liệu như sự đa dạng di truyền của một quần thể nhất định trong một loài hoặc tiềm năng sinh sản của một bộ phận nhất định của quần thể. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một nhóm quần thể tinh tinh giống nhau về mặt di truyền nhưng lại thể hiện một loạt các đặc điểm văn hóa có thể cần được bảo vệ?
Một ví dụ điển hình khác về giá trị của văn hóa ở động vật là vai trò quan trọng của voi cái già trong đàn. Số lượng voi con mà những con voi cái già có thể sinh ra sẽ giảm dần theo thời gian. Vậy tại sao cần bảo tồn voi cái già? Nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm tích lũy cả đời của voi cái già sẽ được truyền lại cho voi con thế hệ sau, chẳng hạn như cách phân biệt trong những con voi lạ, con nào thân thiện, con nào không thông qua tiếng kêu của chúng.
Cân nhắc tới yếu tố văn hóa ở động vật có thể hỗ trợ sự thay đổi ranh giới của một khu bảo tồn được đề xuất để có thể bao gồm các nhóm động vật có hành vi cụ thể. Hoặc các nhà quản lý có thể sử dụng vốn văn hóa đó để chứng minh cho các biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với các cá thể voi già trong đàn voi.
Hjalmar Kühl – chuyên gia cao cấp của Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức – đã lưu ý tầm quan trọng của việc cần có chung quan điểm trong cách thức đưa văn hóa ở động vật vào tổng hợp các mối quan tâm về lập kế hoạch bảo tồn, tránh xung đột quan điểm, làm ảnh hưởng đến quyết định bảo tồn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế có thể xảy ra với các quyết định bảo tồn còn lại khi cân nhắc đến văn hóa ở động vật. Chẳng hạn như trường hợp coi văn hóa ở động vật là tiêu chí duy nhất được tính đến trong quyết định bảo tồn. Các tác giả cho rằng văn hóa không nên được sử dụng như một công cụ bảo tồn độc lập mà nên tích hợp cẩn trọng với các chiến lược bảo tồn hiện có. Trong trường hợp của loài tinh tinh Tây Phi, nếu quá chú trọng vào hành vi đập vỡ vỏ hạt có thể dẫn đến bỏ qua những đánh giá thông thường nhưng vẫn quan trọng hơn về sự đa dạng di truyền của quần thể.
Các tác giả lập luận rằng, để sử dụng văn hóa ở động vật như một công cụ hữu hiệu trong bảo tồn, cần đảm bảo rằng văn hóa không chỉ được xem xét ở khía cạnh trừu tượng, mà phải dẫn đến các giải pháp cụ thể như họ đề xuất trong quy trình năm bước của mình.
Các nhà nghiên cứu cũng phản bác việc yêu cầu các bằng chứng không thực tế để chứng minh rằng một khía cạnh nhất định của văn hóa mang lại lợi ích rõ ràng và tích cực cho sự tồn tại của một loài hoặc quần thể. Theo họ, điều đó có thể kiềm chân các hành động cần thiết khi đối mặt với khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn hành vi đập vỡ vỏ hạt bằng đá hoặc gỗ tác động đến khả năng sinh sản của tinh tinh như thế nào, mặc dù hành vi này là “một trong những hành vi sử dụng công cụ được nghiên cứu nhiều nhất của một trong những loài động vật được nghiên cứu chuyên sâu.”
Không chỉ tinh tinh, văn hóa ở động vật cũng xuất hiện ở nhiều loài, dẫn đến cuộc tranh luận về việc làm thế nào để tích hợp nó vào các giải pháp bảo tồn.
Andrew Whiten, giáo sư danh dự về tâm lý học tiến hóa và phát triển tại Đại học St. Andrews, Anh chia sẻ: “Chỉ một thế kỷ trước, người ta cho rằng văn hóa chỉ có ở con người, nhưng nghiên cứu trong những năm gần đây đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta mô tả văn hóa là kiến thức học được từ các thế hệ trước thì văn hóa tồn tại ở nhiều loài bao gồm cá, chim và cả động vật có vú”.
Kathelijne Koops – nhà linh trưởng học và giáo sư tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ – đồng tác giả của nghiên cứu cho hay khi môi trường sống bị thay hình đổi dạng do tác động từ biến đổi khí hậu và con người, các kỹ năng, hành vi và thông tin được chia sẻ thông qua nền văn hóa của một loài có thể là yếu tố thúc đẩy sự cân bằng đối với sự tồn tại của loài đó. Mai một các hành vi văn hóa ở động vật sẽ làm giảm sự đa dạng, linh hoạt trong hành vi của chúng. Di sản văn hóa dù là vật chất hay phi vật chất đều cần phải được công nhận và bảo tồn.
Thùy Dung (Theo Mongabay)