BVR&MT – Hằng năm, trước khi xuống giống trồng hành, tỏi, nông dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cần lượng cát biển rất lớn để cải tạo đất. Chính vì tồn tại phương thức canh tác này suốt hàng chục năm qua dẫn đến việc khai thác nguồn cát dưới đáy biển ngày càng khan hiếm, tác động xấu đến môi trường sinh thái của đảo.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn Đặng Tấn Thành, với hơn 300ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm, nông dân huyện đảo Lý Sơn sản xuất 3 vụ hành và 1 vụ tỏi nên cần lượng cát san hô rất lớn để cải tạo đất sản xuất hành, tỏi với khối lượng khoảng 6-9 nghìn m3 cát biển.
Từ nhiều năm trước, việc khai thác cát san hô chỉ diễn ra bờ biển ven đảo. Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt khiến nguồn cát ven bờ biển trên đảo cạn kiệt, gây ra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển. Sau khi chính quyền huyện đảo Lý Sơn cấm khai thác cát ven bờ biển, nhiều người đầu tư mua sắm bè ra biển cách bờ từ 2-3km để hút cát ở độ sâu gần 30m bán cho nông dân trồng hành, tỏi. Hiện, trên địa bàn huyện Lý Sơn có khoảng 7-8 bè khai thác cát biển. Bình quân mỗi bè khai thác từ 30-40m3 cát/ngày.
Mặc dù phương thức canh tác có bổ sung đất đỏ bazan và thay cát san hô đã làm nên thương hiệu về phương thức canh tác tỏi đặc sắc của huyện đảo Lý Sơn nhưng vấn đề đáng lo ngại, tình trạng các tổ chức, cá nhân tự phát đầu tư bè khai thác cát biển không theo quy trình, quy định, khai thác tràn lan theo kiểu “mạnh ai nấy làm” kéo dài nhiều năm không chỉ hủy hoại môi trường hệ sinh thái biển mà còn gây nguy cơ sạt lở vùng ven bờ đảo Lý Sơn.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã ban hành Thông báo số 37/TB-UBND về việc cấm khai thác cát biển không phép. Theo đó, yêu cầu hai Tổ đội khai thác cát biển An Vĩnh và An Hải cùng các tổ chức, cá nhân chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát biển khi chưa có Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cấp; nếu khai thác trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh thông báo nghiêm cấm khai thác cát biển không phép, Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện phải lập hồ sơ xin phép khai thác khoáng sản gửi cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, việc thay cát không những hủy hoại môi trường mà còn làm gia tăng chi phí sản xuất. Theo tính toán, nếu thay lớp cát dày từ 2-3cm thì mỗi ha cần từ 200-300m3 cát, giá khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng/m3 thì toàn huyện với hơn 300ha đất nông nghiệp mất khoảng 7-10 tỷ đồng.
Nhằm giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường biển đảo, giải quyết hài hòa bài toán phát triển kinh tế và môi trường, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho rằng, huyện Lý Sơn cần quy hoạch, khoanh vùng khu vực khai thác cát biển để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép khai thác. Từ đó, cơ quan chức năng địa phương kiểm soát chặt chẽ vị trí, phương pháp khai thác cũng khối lượng cho phép khai thác hằng năm không quá mức so nhu cầu sản xuất và tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác cát biển trái phép.
Đồng thời, từng bước thay đổi tập quán canh tác thay cát biển trước khi trồng hành, tỏi của nông dân từ bao đời nay, tập trung phát triển tỏi Lý Sơn theo hướng nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, đưa hành tỏi Lý Sơn thành đặc sản để phục vụ du lịch chứ không phải là sản phẩm nông nghiệp thuần túy.