BVR&MT – Hơn 30 năm trước, một số người dân thôn Khai Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã trồng rau cần để cải thiện bữa ăn trong gia đình. Dần dần, rau cần đã trở thành đặc sản của vùng đất Khai Thái, không chỉ được nhiều người tiêu dùng trong huyện Phú Xuyên mà người tiêu dùng trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận biết đến.
Đến với xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ với những ngôi nhà khang trang, bộ mặt nông thôn sạch đẹp. Để có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ như vậy là do nhiều năm nay, xã Khai Thái đã cho triển khai mô hình trồng rau cần sạch, thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển, xây dựng thương hiệu “rau cần Khai Thái” có thị trường riêng góp phần ổn định đời sống người dân.
Nói về vùng đất được cho là “thủ phủ” của rau cần, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Rau cần Khai Thái cho biết: Cây rau cần được trồng ở đây đã hơn chục năm nay. Ban đầu chỉ có một số gia đình ở thôn Khai Thái tự chuyển từ trồng lúa sang trồng rau cần ở những thửa ruộng vùng trũng.
Thấy rau cần hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên các hộ dân trong thôn cũng học theo. Toàn xã Khai Thái hiện có diện tích trồng rau khoảng 30 ha, tập trung chủ yếu tại thôn Khai Thái. Hộ gia đình trồng ít cũng có khoảng 3 sào, hộ nhiều từ 7 đến 8 sào. Ước tính, mỗi ngày xã Khai Thái cung cấp ra thị trường khoảng hàng chục tấn rau cần.
Cũng theo ông Hùng, trước đây các hộ trồng rau cần thường là tự phát, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Tuy nhiên khi xác định đây là cây trồng chủ lực, giúp nông dân làm giàu, xã đã quy hoạch 30 ha đất trồng rau cần theo chương trình sản xuất rau an toàn. Để hỗ trợ nông dân phát triển cây rau cần đặc sản, xã Khai Thái và huyện Phú Xuyên đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau cần Khai Thái, quản lý chặt chẽ quy trình, kỹ thuật sản xuất.
Năm 2017, huyện Phú Xuyên hỗ trợ các hộ trồng rau cần xây dựng 160 lều và bể nước sơ chế rau ngay tại ruộng với kinh phí gần 1 tỷ đồng, kè và rải đá cấp phối hệ thống kênh mương, đường giao thông khu vực trồng rau với kinh phí hàng tỷ đồng. Theo đó, người dân sẽ chủ động trong quá trình thu hoạch và sơ chế bước đầu thông qua hệ thống lều và bể rửa tại chỗ.
Theo chia sẻ của người dân xã Khai Thái, hệ thống bể rửa có độ sâu hơn 1 mét, được rửa sạch và thay nước sau mỗi lứa thu hoạch. Nhờ vậy, chất lượng rau được đảm bảo và mẫu mã vô cùng bắt mắt. Từ khi làm rau sạch, đầu ra cũng thuận lợi, bà con không phải vất vả tìm nơi tiêu thụ như trước.
Rau cần cho thu hoạch liên tục từ tháng 7 hằng năm cho đến tháng 3 âm lịch năm sau, trung bình khoảng 35 ngày/vụ. Mỗi lứa cho thu hoạch hơn 1 tấn/sào, giá cao điểm sẽ được trên 10.000 đồng/kg. Trừ các loại chi phí các hộ gia đình sẽ có lãi 50-60%, tính ra hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa 2 vụ/năm.
Đầu năm 2020, sản phẩm rau cần của xã Khai Thái đã được thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Kết quả đó đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, bền vững, hiệu quả cao cho người dân địa phương.