Pháp triển khai radar âm thanh nhằm kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn

BVR&MT – Sau giai đoạn thử nghiệm, thủ đô Paris, Pháp đã đưa vào vận hành radar âm thanh đầu tiên như một phần của kế hoạch kiểm soát tiếng ồn từ các phương tiện giao thông nhằm đưa Paris thoát khỏi tình trạng “thành phố ồn ào nhất châu Âu”.

Radar chống ồn đặt tại Villeneuve-le-Roi cạnh sân bay Paris Orly, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Thiết bị đầu tiên được lắp đặt tại trụ đèn giao thông trên phố Avron ở quận 20, phía đông thành phố và thiết bị thứ hai ở được lắp đặt trên phố Cardinet (quận 17), phía tây thành phố để đo độ ồn của các phương tiện đang di chuyển và xác định biển số của các phương tiện này.

Cấu tạo của mỗi radar bao gồm hai mô-đun âm thanh, mỗi mô-đun bao gồm 4 micrô được bảo vệ bằng lưới kim loại. Tất cả đều đi kèm với 3 camera, 1 để quay phim luồng giao thông, 2 camera còn lại để chụp ảnh biển số xe.

“Thiết bị này hoạt động giống như một radar kiểm soát tốc độ. Nó sẽ báo cáo các phương tiện, thường là xe hai bánh có động cơ, vượt quá mức âm thanh tối đa mà tiêu chuẩn đặt ra, tức là 85 hoặc 90 decibel, gấp khoảng 4 lần tiếng ồn phát ra từ xe hạng nặng”, Fanny Mietlicki, giám đốc Cơ quan chống ô nhiễm tiếng ồn Bruitparif giải thích.

Trong vài tháng tới, thành phố sẽ thử nghiệm xem liệu các radar này có thể xác định chính xác biển số của xe máy hoặc ô-tô hay không. Hiện tại, chưa có khoản phạt nào được đưa ra, nhưng Paris có kế hoạch bắt đầu phạt tiền từ đầu năm 2023, khi chính phủ triển khai nhiều radar tiếng ồn hơn ở các thành phố khác của Pháp và thử nghiệm các quy trình tự động hóa việc phạt tiền đến chủ xe vi phạm theo luật Giao thông năm 2019.

Theo luật hiện hành, các cơ quan chức năng có thể xử phạt chủ sở hữu các phương tiện gây ồn ào. Tuy nhiên, cảnh sát phải có các thiết bị cần thiết để bắt quả tang tài xế gây ra tiếng ồn lớn. Trong tương lai, hệ thống máy quét tiếng ồn mới của Pháp sẽ hoạt động giống như một radar bắn tốc độ, với khả năng phạt tiền tự động.

Đề cập đến “những chiếc xe máy với động cơ không được kiểm soát” gầm rú trên các đường phố của thủ đô, Nicolas Nordman, phó phụ trách an ninh và cảnh sát thành phố, nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống lại tiếng ồn ở Paris là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cảnh sát thành phố”.

David Belliard, trợ lý cơ quan phụ trách giao thông và di chuyển Paris cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết một vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng mà từ lâu đã trở thành điểm mù trong chính sách của thành phố”. Ông cũng chỉ rõ rằng, tiếp xúc với tiếng ồn gây rối loạn giấc ngủ và các bệnh tim mạch, làm giảm tuổi thọ 8 tháng, đồng thời dẫn chứng cho con số khó tin này: “Vào ban đêm, một chiếc mô tô có thể đánh thức 10.000 người Paris”.

Một nghiên cứu vào tháng 12 năm 2021 của Money.co.uk, dựa trên dữ liệu của Cơ quan Môi trường châu Âu, cho thấy Paris là một trong những thành phố ồn ào nhất châu Âu, với hơn 5,5 triệu người tiếp xúc với tiếng ồn giao thông đường bộ ở mức 55 decibel hoặc cao hơn, so với 2,6 triệu người ở London và 1,7 triệu người ở Vienna và Rome.