BVR&MT – Kon Plông là huyện vùng III của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có trên 27.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 94% và cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Thời gian qua, chính quyền và người dân nơi đây đã nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng nhau chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Kon Plông đã có 3 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông thôn mới có đặc thù
Xã Măng Cành có 9/9 thôn là người dân tộc thiểu số Xê Đăng. Trước khi xây dựng nông thôn mới, xã xác định Măng Cành không thể như các vùng thuận lợi khác.
Nhìn lại sau một năm được công nhận nông thôn mới, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Cành cho biết: Đối với Măng Cành, nông thôn mới thực hiện theo tiêu chí đặc thù, không bằng các xã vùng thuận lợi, đồng bằng, vùng phát triển. Cụ thể, Măng Cành là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân có phong tục tập quán riêng. Nhà ở 3 cứng (nền, mái và vách cứng) nhưng với Măng Cành nhà sàn lợp tôn, mái ngói là đặc trưng của người dân. Cùng đó, chính quyền tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp thuận lợi trong sản xuất, tạo sinh kế cho dân. Là vùng có khí hậu lạnh, chính quyền xây dựng một số mô hình đặc thù phù hợp với thực tiễn và con người nơi đây.
Xác định giao thông là một trong những khâu đột phá, những năm qua, người dân Măng Cành đã tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, đem lại nhiều khởi sắc cho buôn, làng ở vùng sâu, vùng xa nơi đây. Hàng loạt tuyến đường bê tông vào các làng, khu sản xuất được làm mới với sự hỗ trợ của chính quyền và người dân góp sức, hiến đất, cây trồng. Theo ông A Nghị, Trưởng thôn Đăk Ne, xã Măng Cành: Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, dân góp công tham gia làm đường giao thông. Nhờ vậy, thôn Đăk Ne có 3 con đường bê tông mới vào 2 khu sản xuất và khu dân cư. Có đường bê tông, người dân đi lại thuận lợi, sản xuất, lưu thông và bán nông sản được giá hơn.
Trong sản xuất, chính quyền đang thay đổi dần diện tích lúa 1 vụ, mỳ (sắn) bằng mô hình cà phê xứ lạnh, cây dược liệu. Đây là cách để thay đổi cơ cấu cây trồng, đem thu nhập cho người dân. Cùng đó, chính quyền hỗ trợ các loại con giống như lợn, gà, vịt, trâu… vừa tạo thu nhập, vừa cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho người dân. Việc đưa nhiều mô hình, cây, con mới, phù hợp thực tiễn đã tạo được sức bật, giúp người dân tin tưởng vào con đường mà chính quyền và người dân đang chung tay xây dựng.
Khẳng định sự thay đổi tích cực khi xây dựng nông thôn mới, ông A Lễ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Kon Chênh cho biết: Nhà nào cũng thi đua lao động sản xuất. Trước đây, khi thời tiết vào mùa mưa, lạnh, nhà nhà đóng cửa, sưởi lửa, uống rượu rồi ngủ. Giờ nhà nhà có cà phê xứ lạnh, nhiều nhà trồng cây dược liệu mang lại thu nhập cao. Cà phê, dược liệu có công ty thu mua, giá ổn định, đảm bảo thu nhập.
Sau một năm được công nhận nông thôn mới, một số chính sách hỗ trợ bị cắt như tiền bán trú, bảo hiểm y tế… Trước thực tế trên, xã Măng Cành đã phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện tuyên truyền, vận động để dân hiểu chính sách sau khi được công nhận nông thôn mới. Nhờ vậy, 1/3 người dân trong xã đã tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế. Đối với các chính sách với học sinh bán trú, chính quyền huyện đã vận động doanh nghiệp, người dân (góp gạo, rau, củ) cùng chung tay hỗ trợ các em để duy trì các lớp bán trú…
“Về lâu dài, xã kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh cần ban hành Nghị quyết đặc thù với xã nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Cành cho biết.
Dân vẫn là chủ thể
Có thể nói, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Măng Cành đã khơi dậy, phát huy được vai trò của người dân.
Với Măng Cành, trong điều kiện cuộc sống của gần 2.500 người dân trong xã, với chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng còn nhiều khó khăn, chính quyền xã xác định khâu đột phát là phải phát huy được nội lực của người dân và trước tiên tập trung vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo ông Mai Xuân Mậu: “Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách, người dân phải nỗ lực vươn lên để phát huy hiệu quả các chính sách mà Nhà nước mang lại. Việc dân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên là quan trọng nhất”.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, giờ đây xã Măng Cành có sự phát triển vượt bậc. Hạ tầng cải thiện, giao thông thuận lợi. “Đường vào khu sản xuất, dân cư, nhà rông thôn được làm mới. Tất cả công trình trên, dân là người hưởng thụ trực tiếp. Nhà nước hỗ trợ, dân làng ai cũng tình nguyện, hưởng ứng”, ông A Nghị, Trưởng thôn Đăk Ne chia sẻ.
Đến nay, nhiều mô hình sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân được hình thành, hoạt động có hiệu quả. Các cây, con giống đem lại hiệu quả thiết thực cho dân. Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã Măng Cành giảm xuống chỉ còn 3,5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới đối với vùng khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân. Đạt chuẩn nông thôn mới đã khó rồi, giữ các tiêu chí càng khó hơn. Lên nông thôn mới, thuận lợi là ý thức của người dân tốt hơn, sự trông chờ, ỷ lại giảm đi. Người dân cố gắng phấn đấu thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.
Với quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, đến nay bộ mặt nông thôn của Kon Plông, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Kon Tum đã có những thay đổi vượt bậc. Hiện 9 xã, thị trấn của huyện đều có đường ô tô đi được 2 mùa mưa nắng. Trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa. Tất cả các thôn, làng trong huyện đều có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 15%. Thu nhập, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, tư duy trong lao động sản xuất của bà con ngày càng tiến bộ.