BVR&MT – Với những yếu tố thuận lợi từ sự phục hồi xuất khẩu và hưởng lợi từ EVFTA, UKVFTA… triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp được dự báo có tiến triển tích cực hơn trong thời gian tới.
Năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp ngành thủy sản, nhưng các công ty ngành này có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp thủy sản đón năm 2022 với kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Cánh cửa xuất khẩu rộng mở
Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình nhận định, triển vọng ngành thủy sản năm 2022 dự kiến tiếp tục lạc quan, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 9 tỷ USD.
Theo các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, kinh tế thế giới phục hồi và mở cửa trở lại, đặc biệt Mỹ và châu Âu nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU có mức thuế suất 12-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh…
Đối với cá tra, EVFTA giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong dài hạn, thuế cơ bản của cá tra phile tươi, ướp lạnh giảm từ 9% xuống 0%; cá tra phile đông lạnh giảm từ 5,5% xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến giảm từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm.
Riêng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) và Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) được áp dụng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) trong khi các doanh nghiệp khác vẫn ở mức không đổi 2,39 USD/kg.
Với những yếu tố thuận lợi từ sự phục hồi xuất khẩu và hưởng lợi từ EVFTA, UKVFTA…, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp được dự báo có tiến triển tích cực hơn trong thời gian tới.
Dù vậy bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp thủy sản cũng phải đối mặt với khó khăn từ việc giá nguyên liệu tăng. Cụ thể giá cá tra nguyên liệu và giá tôm thẻ tăng so với cùng kỳ 2020 do chi phí vận chuyển tăng vì thiếu tàu và thiếu vỏ container dưới tác động bởi dịch COVID-19, cộng với giá dầu tăng.
Bên cạnh đó là tình hình phục hồi khả năng cung ứng từ các thị trường khác như Ấn Độ, Ecuado, Thái Lan và Indonesia sau đại dịch.
Vượt khó
Thực tế, những khó khăn của ngành thủy sản đã bộc lộ rất rõ trong năm 2021. Dù vậy, doanh nghiệp ngành này vẫn đạt được kết quả tăng trưởng vượt bậc, thậm chí có doanh nghiệp còn đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động.
Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC). Quý IV/2021, doanh nghiệp này có doanh thu vượt mốc 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 110 tỷ đồng; lần lượt tăng 19% và 74% so với cùng kỳ năm 2020.
Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện từ 13% lên 14% là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Nguyên nhân biên lợi nhuận gộp tăng chủ yếu là nhờ thu hoạch tôm tự nuôi làm hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận chung.
Lũy kế cả năm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta có doanh thu đạt mức kỷ lục gần 5.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng lên mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với 289 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Camimex Group (mã chứng khoán: CMX) cũng báo cáo doanh thu quý 4/2021 tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước đó và lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng. Tính cả năm doanh nghiệp này có doanh thu 2.190 tỷ đồng, lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền trước.
Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC), đây là doanh nghiệp đầu ngành cá tra. Trong quý 4/2021, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 2.693 tỷ đồng tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020; lãi ròng tăng đến 171% đạt 455 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.
Doanh nghiệp cho biết, thị trường xuất khẩu đều phục hồi mạnh vào cuối năm, đặc biệt là Mỹ. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có doanh thu lên 9.054 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng,lần lượt tăng tăng 29% và hơn 54% so với năm trước đó.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, xuất khẩu thủy sản năm 2021 vượt khó ngoạn mục và có sự bứt phá vào quý cuối năm.
Năm 2021, ngành thủy sản đã trải qua những cung bậc thăng trầm vì dịch COVID-19. Nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục, sản xuất trong nước ổn định. Tuy nhiên, quý 3/2021, ngành thủy sản đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn do giãn cách xã hội diện rộng. Quý cuối năm 2021, ngành đã có sự phục hồi bứt phá.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là tôm chiếm tới 43,87%, cá tra chiếm 17,32%.
Năm 2021, giá thức ăn và cá tra duy trì mức cao và tăng giá liên tục làm giá thành nuôi cá tra gia tăng đáng kể, nhưng giá xuất khẩu cá tra lại gặp khó trăm bề từ yếu tố thị trường, cước vận chuyển và hàng rào kiểm soát COVID-19.
Dù có nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp thủy sản đã vượt qua, nhờ đó tạo ra kỳ vọng tăng trưởng lớn trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, hầu hết cổ phiếu ngành thủy sản có dấu hiệu điều chỉnh sau một năm tăng giá mạnh. Cụ thể, từ đầu năm tới chốt phiên giao dịch 11/2, FCM giảm 12%, MPC giảm hơn 3%, ANV giảm 8,1%, CMX giảm gần 10%. Trong khi đó, VHC đi ngược xu hướng của ngành khi tăng gần 9%./.