BVR&MT – Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cùng hệ thống Giáo dục cả nước, Hà Nội đã tổ chức cho trên 1,2 triệu học sinh các cấp đến trường (gồm học sinh lớp 7 đến lớp 12 trên toàn TP và học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành).
Công tác chỉ đạo của UBND TP, ngành GD&ĐT cùng cả hệ thống chính trị Thủ đô thể hiện tinh thần quyết tâm cao để cho học sinh được đến trường.
Thống nhất nguyên tắc
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, trên 99% số cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (cấp THCS, THPT) đã tiêm vaccine (mũi 1 và mũi 2). Trước Tết, hầu hết các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tại 30 quận, huyện đã hoàn tất diễn tập công tác đón học sinh trở lại.
Để đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường triển khai tốt kế hoạch chuyên môn, đặc biệt chủ động trong công tác phòng chống dịch, bổ sung trang thiết bị vật tư y tế; huy động giáo viên, cha mẹ học sinh hỗ trợ vệ sinh trường lớp. Với các trường học được địa phương trưng dụng làm nơi cách ly, thu dung, điều trị Covid-19, đề nghị báo cáo địa phương khẩn trương trả lại mặt bằng và tiến hành vệ sinh khử khuẩn theo quy định của cơ quan y tế.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường thống nhất kịch bản, kế hoạch, phương án đón học sinh, nhất là lúc đầu giờ và có thông báo rõ ràng cho phụ huynh, tránh ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường; khuyến khích phụ huynh đo thân nhiệt cho con ở nhà; triển khai ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong việc tự nguyện cho học sinh đi học, đảm bảo một cung đường hai điểm đến; kiểm soát chặt chẽ người lạ vào trường để tránh nguy cơ lây nhiễm. Giai đoạn đầu đến trường, cần cho học sinh làm quen nền nếp học tập và phòng dịch; thầy cô giáo đóng vai trò là người tuyên truyền, hướng dẫn học sinh; khi có tình huống bất thường, cần báo cáo ngay cơ quan y tế và ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Về công tác tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Công văn 292. Nội dung cần đặc biệt quan tâm là khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch giáo dục để hoàn thành kế hoạch năm học và đạt hiệu quả dạy học trực tiếp. Khi đi học trở lại, các nhà trường chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh, nhất là học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10), giúp các em xây dựng thời gian biểu hợp lý; tuyên truyền để phụ huynh tích cực đồng hành, hướng dẫn con em giúp nâng cao kết quả học trực tiếp; quan tâm, phát hiện bất ổn tâm lý của học sinh, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Về chất lượng dạy và học, các trường rà soát kỹ hiệu quả dạy học trực tuyến và qua truyền hình của từng học sinh làm cơ sở để phân nhóm khi học trực tiếp. Quá trình tổ chức học trực tiếp cần kết hợp đa dạng phương pháp, hình thức trong từng bài học, tiết học, nội dung dạy học; kết hợp trực tuyến- trực tiếp để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất.
Trên cơ sở nội dung chương trình của Bộ, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của trường mình; tránh việc quá tải với học sinh khi học trực tiếp; tận dụng thế mạnh của trực tuyến, vừa học bài mới, vừa ôn tập củng cố vừa kiểm tra đánh giá học sinh và chỉ kiểm tra định kỳ khi học sinh đảm bảo kiến thức cốt lõi; có hình thức kiểm tra phù hợp để ghi nhận nỗ lực, cố gắng của từng em.
Khắc phục khó khăn
Tổ chức cho học sinh đi học khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm mỗi ngày gần chạm mốc 3.000 ca; bên cạnh đó, lứa tuổi học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên công tác đón học sinh còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của UNICEF và các chuyên gia y tế, việc đưa học sinh quay trở lại trường học không lệ thuộc vào việc đã tiêm hay chưa tiêm vaccine. Căn cứ vào tình hình thực tế về độ tiêm phủ vaccine ở người từ 12 tuổi trở lên đạt tỷ lệ rất cao; ngành y tế có thuốc điều trị, có kinh nghiệm trong phòng chống dịch; ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn cộng tác động tiêu cực của hình thức học online kéo dài…, Hà Nội đã quyết tâm đưa học sinh trở lại trường.
Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (huyện Quốc Oai) Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: Trường có 36 lớp thì 18 lớp học sáng, 18 lớp học chiều. Để đảm bảo khoảng cách an toàn, trường đã mở 4 khu cầu thang và quy định hướng di chuyển của từng lớp. Với 34 đường mạng tốc độ cao được nối riêng vào lừng lớp học cùng các thiết bị có sẵn nên các thầy cô giáo đã tiến hành song song giữa dạy trực tiếp cho học sinh đến trường và kết nối trực tuyến cho các em ở nhà để duy trì liền mạch chương trình mà vẫn đảm bảo quyền lợi học tập, “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Đón học sinh trở lại trường sau gần 10 tháng cách xa và chỉ tương tác qua màn hình máy tính, cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường Tiểu học Bắc Hồng (huyện Đông Anh) chia sẻ: “Tôi hình dung học sinh chắc hẳn sẽ rất vui khi được đi học nhưng khi gặp các em, những hình dung của tôi là chưa đủ. Các em hoạt bát, rạng ngời, ngoan ngoãn và trật tự lắng nghe từng lời giảng của cô. Các bài học được trình chiếu qua thiết bị sắc nét và sống động. Không gian lớp học truyền thống với hình thức học tập trực tiếp thật ý nghĩa không chỉ với học sinh mà còn với các thầy cô giáo”.
Thống kê của sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong ngày 8/2 có 96,77% học sinh khối lớp 7, 8, 9 toàn TP đến trường; con số này với khối 10, 11, 12 là 93,56%. Các nhà trường, học sinh, phụ huynh và giáo viên phải quen dần với tình huống phát hiện F0 trong trường học để xác định tâm lý, tránh hoảng hốt, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch.
Theo nguyên tắc mới của ngành y tế, khi phát hiện F0 trong trường học, giáo viên phối hợp bộ phận y tế lập tức rà soát, truy vết: Những học sinh tiếp xúc gần F0 là F1, được cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến. Những trường hợp còn lại trong lớp sẽ được theo dõi sức khỏe; nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường. Do nắm rõ được nguyên tắc nên mặc dù xảy ra nhiều trường hợp báo có học sinh là F0 nhưng các trường học vẫn duy trì nền nếp tổ chức học tập bình thường và chủ động xử lý các tình huống này, thông điệp kịp thời cho phụ huynh nên không gây hoang mang, lo lắng trong học sinh.
Những ngày phía trước, quan điểm đưa toàn bộ học sinh các cấp đến trường vẫn tiếp tục được Hà Nội triển khai thực hiện, trong đó có lưu ý chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; với các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.
Dù còn rất nhiều lo lắng về dịch bệnh nhưng bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, giáo viên, học sinh và sự chuẩn bị chu đáo toàn diện của các nhà trường, tất cả đã và đang tận dụng thời cơ vàng học trực tiếp trên tinh thần thích ứng linh hoạt; đảm bảo an toàn cùng chất lượng giáo dục. |