BVR&MT – Dược liệu giá trị càng cao thì tình trạng làm giả càng nhiều, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu của dược liệu. Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, các nhà khoa học trong nước đã xây dựng ngân hàng gien, quy trình thẩm định để xác định chính xác một số loài dược liệu dễ giả mạo, nhầm lẫn.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày cây sâm Ngọc Linh được nâng tầm giá trị thì tình trạng buôn bán sâm giả Ngọc Linh xuất hiện khá nhiều. Trong đó chủ yếu là đưa cây tam thất có hình thái gần giống sâm Ngọc Linh để lừa dối khách hàng. Trước tình trạng này, chính quyền đã có nhiều biện pháp để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thí dụ, Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My đã tổ chức các phiên chợ sâm định kỳ hằng tháng. Tại đây thành lập tổ kiểm định có nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn sâm nguyên liệu đưa vào phiên chợ để cung cấp cho khách hàng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết không buôn bán sâm Ngọc Linh giả. Qua các lần tổ chức phiên chợ sâm đã tạo lòng tin với khách hàng. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 30 kg sâm củ được người dân xã Trà Linh đưa đến bày bán. Một số doanh nghiệp tại huyện Nam Trà My cũng sử dụng chíp điện tử truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm bảo đảm chất lượng tuyệt đối cho sâm núi Ngọc Linh. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đầu tư cho Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My hệ thống máy kiểm tra nhận dạng sâm Ngọc Linh để kiểm định sâm thật, giả. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh sâm Ngọc Linh giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hằng năm, đơn vị tiến hành thẩm định hàng trăm mẫu dược liệu, trong đó phần lớn là sâm do một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu hay cá nhân đem đến thẩm định. Kết quả cho thấy, trong số này cũng có nhiều mẫu được xác định không phải là sâm Ngọc Linh, có mẫu là sâm Lai Châu và nhiều mẫu là tam thất hoang. Ngoài ra, có một số loài dược liệu có giá trị cao cũng sử dụng nhầm lẫn như ba kích, thạch hộc, cốt toái bổ, thiên niên kiện,…
Sở dĩ kẻ gian dễ dàng thực hiện trót lọt các vụ bán dược liệu giả bởi nhìn bằng mắt thường người tiêu dùng khó nhận biết. Trong tự nhiên, nhiều loài dược liệu có hình dáng tương tự nhau, nhất là khi dược liệu không còn đầy đủ bộ phận, bị phơi khô hay thái nhỏ… thì việc xác định chính xác tính đúng của dược liệu chỉ có thể thực hiện bằng kỹ thuật chuyên sâu. Theo bà Phạm Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu, tuy hình thái bên ngoài của các loài cây thuốc, các loại dược liệu nhìn tương tự nhau, nhưng mỗi loài cây có một tên khoa học riêng, và đã có 330 dược liệu được mô tả chi tiết trong Dược điển Việt Nam V. Với dược liệu dễ nhầm lẫn là sâm, hiện nay, các cán bộ của Khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu đã nghiên cứu và biên soạn tài liệu nhận dạng các loài thuộc chi Panax L., họ nhân sâm ở Việt Nam. Trong đó, đã giới thiệu các loài sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang, tam thất hoang, tam thất, nhân sâm.
Cùng với đó, Khoa Tài nguyên dược liệu đã triển khai kỹ thuật DNA barcode để xác định tính đúng của dược liệu. Hiện nay, các nhà khoa học của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình giám định tính đúng, từ đó phát hiện các mẫu dược liệu giả mạo. DNA barcode là các trình tự nucleotid ngắn, ổn định trong hệ gien lục lạp của thực vật, được sử dụng hỗ trợ trong công tác giám định loài thực vật ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ có kỹ thuật này, dược liệu đã qua sơ chế hay bị phân mảnh, không còn nguyên vẹn vẫn được nhận biết thông qua các trình tự DNA đặc trưng trong tế bào của cây còn sót lại. Để xây dựng được các quy trình này, đòi hỏi phải có được mẫu vật, bộ dữ liệu đầy đủ cả về hình thái và DNA đặc trưng cho từng loài cũng như phân bố cụ thể cho các loài đó. Những dữ liệu này là kết quả của các nghiên cứu cơ bản về điều tra, thu thập, nhận dạng loài, phân tích đa dạng di truyền cũng như đánh giá, phát hiện các trình tự DNA barcode cho từng loài. Đây là thành quả và ứng dụng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp trong nhiều năm, là trái ngọt của nghiên cứu cơ bản thực vật làm thuốc ở nước ta cho đến nay. Khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu là đơn vị đầu mối trong công tác điều tra, thu thập, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu đã và đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về hình thái và DNA barcode của các loài làm thuốc dễ bị nhầm lẫn để phục vụ công tác giám định tính đúng của dược liệu.
Các nhà khoa học cho rằng, việc triển khai các phương pháp nhằm góp phần nhận dạng, phân biệt các loài chính xác là sự cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Không chỉ đối với người tiêu dùng, cơ quan quản lý, mà rất quan trọng đối với các đơn vị trồng, phát triển dược liệu. Các đơn vị này rất cần dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng, tính chính xác về loài của dược liệu để yên tâm đầu tư cây giống dược liệu khi tình trạng nhầm lẫn loài vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thì các cơ sở nghiên cứu cần mở rộng nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, quy trình kiểm định nhanh cho các dược liệu, nhất là dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ nhầm lẫn, từ đó có cơ sở để kiểm định tính đúng của dược liệu.