BVR&MT – Về bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La hôm nay và cảm nhận rõ sự đổi thay về cuộc sống của bà con nơi đây mới thấy được sự tác động tích cực đổi mới cùng sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân trong bản. Cuộc sống mới đang khởi sắc trên quê hương cách mạng Lao Khô.
Là bản có gần 10 km đường biên giới với cụm bản Phiêng Xa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), Bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, Yên Châu có 113 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông của 7 dòng họ chung sống.
Cách trung tâm xã Phiêng Khoài 13 km, nhưng cứ mỗi mùa mưa con đường độc đạo lên bản lại lầy lội, xói mòn, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân. Đường giao thông khó khăn, dẫn đến chi phí vận chuyển vật tư hàng hóa vào bản luôn cao hơn so với ngoài trung tâm xã, trong khi giá bán nông sản thường thấp hơn 3 đến 4 giá so với thị trường. Đây là lý do khiến bản Lao Khô có tỉ lệ hộ nghèo trên 85%.
Tuy nhiên, tháng 8 năm 2014 công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Kim Chung – Lao Khô bắt đầu được khởi công theo Quyết định số 2505/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 21/11/2012, do Sở Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 96 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và ngân sách tỉnh.
Sau hơn 12 tháng thi công, tuyến đường Kim Chung – Lao Khô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước thời hạn 16 tháng. Từ đó góp phần rút ngắn thời gian từ trung tâm xã tới bản Lao Khô, tạo điều kiện phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa, xã hội của bản Lao Khô và xã Phiêng Khoài.
Anh Tráng Lao Ly, bản Lao Khô cho biết: Chỉ 13 km, nhưng trước đây đi xe máy ra trung tâm xã mất hơn 2 giờ đồng hồ, nhiều hôm mưa lớn đường lầy lội, phải gửi xe dọc đường để đi bộ. Trường hợp có người ốm cần đưa ra trạm y tế xã chữa trị, thanh niên trong bản dùng võng khiêng; học sinh đi học ngoài xã cũng rất vất vả, ai ai cũng mong ước có đường mới rải nhựa để đi lại thuận tiện hơn.
Nay nhìn con đường đất trước đây nay đã được rải nhựa phẳng lỳ, tạo thuận lợi cho nhân dân trong khu vực đi lại, giao thương hàng hóa và tham quan du lịch. Không những thế, hàng năm tuyến đường này có hàng trăm lượt khách, tiểu thương từ các bản giáp biên cụm bản Phiêng Xa, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) sang giao lưu, buôn bán hàng hóa tại xã Phiêng Khoài. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con dân bản cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô vui mừng cho biết: Có đường đi thuận lợi, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, trong những năm qua, nhân dân trong bản tích cực khai thác lợi thế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất… Nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng mận, chăn nuôi như: Gia đình ông Dừ Lao Tăng, thu nhập trên 80 triệu đồng/năm; gia đình ông Dừ Lao Thào, thu nhập gần 70 triệu đồng/năm; gia đình ông Tráng Lao Tra, thu nhập trên 80 triệu đồng/năm… Năm 2017, bản Lao Khô sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%…
Điển hình như mô hình trồng chanh leo tại Lao Khô, sau thời gian đi học tập mô hình từ các địa phương khác, bà con nhân dân trong bản đã chuyển 5 ha trồng lúa nương năng suất thấp sang trồng chanh leo. Hiện bản có 10 hộ trồng chanh leo, mỗi hộ trồng từ 100-400 gốc. Sau hơn 6 tháng áp dụng, nhận thấy cây chanh leo phù hợp với chất đất, khí hậu ở địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt cây chanh leo ít bị bệnh, nấm hại, nên hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây chanh leo đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của bà con bản Lao Khô, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…
Đặc biệt, năm nay vinh dự cho bản Lao Khô, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào đã hoàn thành, là nơi khắc ghi tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào và là nơi để khách du lịch đến tham quan.
Đây là một di tích quan trọng có giá trị to lớn về lịch sử mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ về tư tưởng cách mạng của các bậc tiền bối và mối quan hệ chiến đấu, tình hữu nghị Việt Nam – Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập.
Khu di tích cũng là biểu tượng tôn vinh, quảng bá sự kiện nói riêng và hình ảnh Sơn La nói chung với bạn bè trong và ngoài nước. Góp phần khẳng định hơn nữa lịch sử truyền thống đoàn kết, hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào; là niềm cổ vũ, động viên quan trọng đối với nhân dân hai nước trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc ngày nay.
Về bản Lao Khô hôm nay, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay về cuộc sống nơi đây. Một Lao Khô đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ sự đồng lòng thống nhất của Ban Quản lý bản, nhân dân cùng sự giúp đỡ của Chính quyền các cấp chung tay xây dựng cuộc sống mới trên quê hương cách mạng Lao Khô.
Hải Sơn – Văn Tiến