BVR&MT – Sáng 24/1, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.
Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022; đồng thời để xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực, Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Thi hành án dân sự.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Từ đó tăng cường phân quyền, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết luật, trong đó dự kiến sẽ có 3 văn bản quy định chi tiết đối với luật này.
Trong đó, Điều 1 quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4, Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 25, khoản 4, Điều 82, khoản 1, Điều 83 Luật Đầu tư công, theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Điều 2 sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo hướng: Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.
Điều 4 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở, theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây (mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật): Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước, Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai…