BVR&MT – Là người trực tiếp tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh theo nghị quyết của Đảng, đội ngũ cán bộ cơ sở được ví như “cầu nối” quan trọng giữa nhân dân với Đảng.
Nhận thức sâu sắc tư tưởng này, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền vùng núi Tây Bắc đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ này và đã có chuyển biến tích cực.
Bài 1: Chú trọng lựa chọn và tạo nguồn cán bộ
Miền núi Tây Bắc là khu vực khó khăn nhất của cả nước về điều kiện địa hình, khí hậu cũng như trình độ nhận thức của đồng bào. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, các cấp ủy đảng đã dành nhiều nguồn lực, cơ chế cùng với đó là đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp. Đến nay, đội ngũ cán bộ cơ sở khu vực này cơ bản hoàn thiện, phát huy tốt năng lực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
So sánh mặt bằng chung cả nước thì trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở các tỉnh miền núi Tây Bắc còn thấp, chưa đồng đều, dẫn tới việc triển khai nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn chậm, chưa hiệu quả.
Chuẩn hóa cán bộ cơ sở
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi Tây Bắc đã dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở.
Đồng chí Trịnh Hoàng Thắng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên cho biết: Là tỉnh miền núi có hơn 82% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong hai năm (2019, 2020), toàn tỉnh Điện Biên đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số cho 7.176 lượt cán bộ, công chức, viên chức xã và các trưởng thôn, bản.
Huyện Mường Ảng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nghề cho đội ngũ trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ bản; đồng thời hướng dẫn cho họ cách thức tuyên truyền, vận động người dân phát triển những sản phẩm có tiềm năng, tạo thu nhập ổn định, tích cực tham gia học nghề, tham gia tư vấn giới thiệu việc làm, tiếp cận các hình thức hỗ trợ cho vay vốn. Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Toàn huyện có 118 bản, tổ dân phố thuộc 10 xã, thị trấn; theo đó tổ trưởng dân phố, trưởng bản có 118 người; bí thư chi bộ bản, tổ dân phố có 115 người.
Huyện biên giới Mường Nhé có nhiều khó khăn rất đặc thù, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã đa số chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng hạn chế… Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy có giải pháp là luân phiên cử công chức, viên chức cấp huyện, xã và cấp thôn, bản đi đào tạo, bồi dưỡng.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ: Ngoài việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chi tiết, Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban và mỗi xã phải cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ trưởng thôn, bản theo thứ tự ưu tiên người trong quy hoạch, cán bộ được bố trí đề bạt bổ nhiệm; ở cấp thôn, bản thì ưu tiên đội ngũ trẻ, có năng lực, nhiệt huyết.
Trong năm 2021, huyện Mường Nhé còn chủ động kết nối, vận động các tổ chức, các cơ sở đào tạo nghề hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức xã, trưởng thôn, bản. Nhờ đó, cuối năm 2021, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp huyện, xã ở huyện Mường Nhé được cử đi đào tạo bồi dưỡng đạt 100% (tổng số là 133 người); tỷ lệ viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức các xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng bắt buộc và đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đạt 100% kế hoạch (tổng số gần 1.100 lượt người). Mới đây, được sự hỗ trợ của Học viện Dân tộc, Huyện ủy tổ chức bốn lớp bồi dưỡng về chính sách dân tộc cho 120 người là báo cáo viên cấp huyện; trưởng, phó phòng và lãnh đạo UBND xã; các cán bộ, công chức huyện, xã làm công tác dân tộc và đội ngũ trưởng bản, bí thư chi bộ bản.
Nhờ được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, trình độ nghiệp vụ, công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xã và các trưởng thôn, bản ở Điện Biên dần được nâng lên, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh tại địa phương. Khẳng định bằng kết quả công việc, nhiều người là trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ bản hay công chức, viên chức xã được tín nhiệm bầu các chức danh chủ chốt ở xã, huyện. Điển hình như tấm gương anh Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.
Khi được tín nhiệm bầu làm trưởng bản, anh luôn suy nghĩ phải tìm hướng phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo, có vậy mới tuyên truyền, vận động được nhân dân. Nghĩ là làm, anh tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn tại xã, huyện về chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi, rồi mạnh dạn trồng hơn 2 ha cà-phê quanh nhà thay vì độc canh cây lúa, cây ngô. Trâu, bò của gia đình cũng được nuôi nhốt, có người chăn dắt chứ không thả rông như trước… Gia đình anh Gia trở thành điển hình làm kinh tế ở bản Huổi Khon 2 với nguồn thu nhập ngày càng ổn định, con cái được chăm lo học hành.
Ưu tiên nguồn lực tại chỗ
Cùng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, huyện Bảo Yên (Lào Cai) còn đổi mới việc thi tuyển cán bộ, công chức cơ sở nhằm chọn đúng người, đúng việc. Sau khi công khai các chức danh tuyển chọn, Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện phương án về từng xã tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn cán bộ. Huyện yêu cầu các phòng, ban lập danh sách ứng viên có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, sau đó tổ công tác của Ban Thường vụ do Bí thư Huyện ủy chủ trì, trực tiếp về từng xã để phỏng vấn, tuyển chọn. Ngoài những tiêu chí chung, tổ công tác đi sâu phỏng vấn ứng viên nhằm kiểm tra hiểu biết, nhận thức về lĩnh vực cần tuyển chọn. Với cách làm này, huyện thu hút hơn 300 người có trình độ chuyên môn từ trung cấp tới thạc sĩ là con em tại địa phương, đăng ký thi tuyển; qua đó tuyển chọn được 76 người, gồm: một người có trình độ thạc sĩ, 40 người có trình độ đại học, sáu người có trình độ cao đẳng, 20 người có trình độ trung cấp vào các chức danh cán bộ, công chức xã. Việc phỏng vấn tuyển chọn công khai không những loại bỏ được nạn “chạy” công chức, mà còn xóa bỏ tận gốc thói quen “con cháu”, cục bộ dòng họ… vốn tồn tại rất lâu ở địa bàn miền núi.
Lớp cán bộ này đã phát huy được năng lực sở trường, đoàn kết và gây dựng được phong trào của địa phương, như Nguyễn Thái Bưởi, dân tộc Tày, tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp, Bí thư Ðoàn xã Kim Sơn, với phong trào mở đường giao thông nông thôn; Sùng Thị Sòa, dân tộc Mông, tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa, Bí thư Ðoàn xã Ðiện Quan, với phong trào bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa…
Ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế, có cơ chế “giữ chân” cán bộ trẻ là cách làm hiệu quả của tỉnh Hà Giang trong tạo nguồn cán bộ cơ sở. Tỉnh hiện có hơn 85% số dân sống ở khu vực nông thôn, nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2021, tỉnh triển khai chương trình cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025). Sau một năm triển khai, chương trình đã lan tỏa từ thôn vùng thấp cho đến bản vùng cao; huy động được hơn 15 nghìn ngày công lao động của cán bộ, nhân dân hỗ trợ các hộ cải tạo vườn tạp; xã hội hóa gần hai tỷ đồng để hỗ trợ mua cây giống, con giống cho nhân dân. Đến nay, tỉnh có gần 2.600 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp với diện tích gần 300 ha. Các hộ tham gia cải tạo vườn tạp được ngành chuyên môn quy hoạch lại vườn, định hướng nuôi trồng các loại cây, con phù hợp. Một số mô hình đã bắt đầu cho thu nhập. Điều quan trọng là người dân thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi, từ đó quyết tâm phát triển kinh tế trên quê hương. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực bởi không chỉ hỗ trợ người dân khu vực nông thôn vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn góp phần giữ chân lao động nông thôn lập nghiệp ngay tại quê hương. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương bồi dưỡng, tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Chất lượng cán bộ cơ sở vùng Tây Bắc ngày một nâng lên đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng địa bàn. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 song tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh Điện Biên vẫn đạt 6,02% so với năm 2020. Sáu tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của Điện Biên cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước gần 4,0 điểm % và đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng trong chín tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía bắc. Tỉnh Hà Giang cũng hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng hơn 5%; thu ngân sách nhà nước đạt mục tiêu nghị quyết và vượt 44,6% chỉ tiêu Trung ương giao; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm.