BVR&MT – UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Văn bản số 6613/KH-UBND về việc tăng cường quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026, với mục tiêu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị, các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch sẽ sử dụng túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường thay cho các loại túi, bao bì khó phân hủy như hiện nay.
Thông qua các chương trình hành động, tỉnh kỳ vọng sẽ từng bước nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa. Để làm được việc này, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu, tham mưu tỉnh ban hành các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường và các quy định hiện hành. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến và vận động, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp có lộ trình, phương án nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm thay thế. Theo đó, tiêu chí đầu tiên được đặt ra đối với các nhóm sản phẩm thay thế là thân thiện với môi trường sống và sức khỏe của con người.
Các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng khẳng định, thời gian tới những sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu thân thiện với môi trường, chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt và giá thành phù hợp sẽ được đón nhận. Trong khi đó, những doanh nghiệp chậm thay đổi, chậm thích ứng với tiến trình đổi mới sáng tạo gắn liền phát triển bền vững sẽ rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí là đánh mất thị phần.
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thời gian tới sở sẽ chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp các sở ngành, địa phương và báo đài tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, vận động với những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa. Trong đó nổi bật có mô hình sử dụng “3T” (Tiết kiệm – Tái sử dụng – Tái chế) đối với các nhóm sản phẩm nhựa. Để quản lý tốt hơn chất thải nhựa, ngành chức năng đồng thời cũng sẽ hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý các loại chất thải nhựa để giảm áp lực đối với các đơn vị xử lý chất thải.
Ông Ngô Thành Mua, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương cho biết việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp đơn vị thu gom, xử lý rác giảm bớt thời gian và áp lực công việc mà còn góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, khi được phân loại rõ ràng ngay tại nguồn, những loại rác thải là các nhóm sản phẩm vô cơ khó phân hủy sẽ được đơn vị thu gom, xử lý rác thải để riêng và chuyển vào khu vực xử lý đặc biệt. Thông qua hệ thống xử lý chất thải khó phân hủy được nhập khẩu từ các nước phát triển, lượng rác thải này sẽ được phân loại, xử lý triệt để trước khi được đưa ra các khu vực chôn lấp./.