BVR&MT – Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ CDĐL ở thị trường được đánh giá là “khó tính” bậc nhất này, mở ra cơ hội tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở nhiều thị trường khác nhau. Bài học kinh nghiệm trong quá trình đăng ký CDĐL tại Nhật Bản đối với vải thiều Lục Ngạn không chỉ hữu ích cho Bắc Giang mà còn cho nhiều địa phương khác nếu muốn nông sản của mình vươn xa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khắt khe như Nhật Bản, châu Âu.
Mở đường thúc đẩy bảo hộ CDĐL cho nông sản khác
Ngày 12/3/2021, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về việc vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản. Đây là nông sản đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ CDĐL tại nước này. Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vải thiều, thêm một chứng nhận uy tín cho sản phẩm. Được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng tại xứ sở hoa anh đào tuyệt đối tin tưởng về sản phẩm, nâng cao giá trị của vải thiều. Điều này không những giúp công tác tiêu thụ, xúc tiến vải thiều vào thị trường Nhật Bản thuận lợi mà còn mở ra cơ hội vào các thị trường khác vì khi được Nhật Bản chấp thuận thì nhiều quốc gia khác cũng coi đó như một giấy thông hành cho sản phẩm lưu thông vào thị trường nước mình.
Đã hơn 9 tháng trôi qua, kể từ ngày CDĐL vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ thành công tại Nhật Bản, vải thiều của huyện Lục Ngạn nói riêng và vải thiều của tỉnh Bắc Giang nói chung đã nhanh chóng khai thác, phát huy được giá trị của “thương hiệu” này. Theo Thông cáo báo chí số 281/TB-UBND ngày 08/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và trong cả nước diễn biến phức tạp, song hoạt động tiêu thụ vải thiều năm 2021 khá thuận lợi. Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt 215.852 tấn (tăng 130,8% sản lượng so với năm 2020); giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ (bình quân cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, có thời điểm cao hơn những năm không có dịch). Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ; trong đó: doanh thu từ vải thiều ước đạt 4.274 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 2.547 tỷ đồng.
Tổng sản lượng xuất khẩu vải năm 2021 của tỉnh Bắc giang đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông… Đặc biệt, trong năm 2021, thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan…) đã xuất khẩu với sản lượng gấp hàng chục lần so với năm 2020; khu vực Đông Nam Á cũng được mở rộng xuất khẩu với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với gần 5.000 tấn.
Bài học kinh nghiệm
Để đạt được những con số ấn tượng nêu trên, người trồng vải thiều, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang đã phải trải qua qua một quá trình dài nhiều năm cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo dựng thương hiệu cả trong và ngoài nước cho quả vải. Từ năm 2008, khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ CDĐL trong nước và sau đó được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Úc, Hàn Quốc, Mỹ…, sản lượng, sức cạnh tranh, giá trị của vải thiều dần được tăng lên; việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn trước, tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản mới cho nhiều địa phương trong cả nước tham khảo. Đặc biệt, khi CDĐL vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ CDĐL thành công tại Nhật Bản đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ CDĐL cho các nông sản khác của Việt Nam tiếp cận các thị trường ngoài nước có điều kiện khắt khe nhưng có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm rút ra dưới đây trong quá trình đăng ký CDĐL tại Nhật Bản đối với vải thiều Lục Ngạn có lẽ không chỉ hữu ích cho Bắc Giang mà còn cho nhiều địa phương khác trong cả nước.
Thứ nhất, các cơ quan hữu quan phải tác động ở nhiều cấp, kênh hợp tác song phương được thực hiện tích cực. Có thể nói, trong quá trình xúc tiến đăng ký bảo hộ CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, nội dung này đã được đề cập tại các cuộc tiếp xúc từ thượng đỉnh, cấp cao cho đến cấp kỹ thuật. Trong đó, ở cấp cao nhất phải kể đến là Tuyên bố chung giữa Thủ tướng của hai nước trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 có nội dung “…sẵn sàng nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ CDĐL”. Tiếp đó, một cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, có thể coi là có tính chất mở đường cho việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản. Theo đó, hai bên cam kết thúc đẩy bảo hộ CDĐL giữa hai nước. Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, hai bên đã trao đổi, đề xuất lựa chọn mỗi bên 3 sản phẩm để tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL tại nước còn lại. Vải thiều Lục Ngạn nằm trong số 3 sản phẩm của Việt Nam được lựa chọn, dựa trên tiêu chí danh tiếng, thị trường tiêu thụ, sự quan tâm của chính quyền địa phương, và sản phẩm có hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Thứ hai, trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL ở trong nước cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, cần đặc biệt lưu ý đến những tài liệu kiểm chứng cho tính đặc trưng của sản phẩm mang CDĐL và tác động của các điều kiện tự nhiên – xã hội đến những tính chất đó, như: khí hậu, thổ nhưỡng, quy trình canh tác… Đây phải là những tài liệu chính thức, công trình nghiên cứu khoa học của các tác giả uy tín trong và ngoài nước (nếu có), có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi đăng ký bảo hộ thành công, những tài liệu này cần được lưu giữ, bảo quản tốt, đầy đủ; thường xuyên được cập nhật, bổ sung hàng năm. Đây là nguồn tài liệu cần thiết, tin cậy để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL tại nước ngoài.
Thứ ba, sau đăng ký bảo hộ thành công CDĐL trong nước, chủ sở hữu – chính quyền địa phương, các ngành chức năng cùng với tổ chức hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cần tiếp tục nâng cao chất lượng và duy trì tính đặc trưng của sản phẩm. Quan tâm nhiều hơn đến việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường mở rộng sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…; thực hiện cấp mã số vùng trồng kết hợp với giám sát, đánh giá chất lượng định kỳ của sản phẩm để sẵn sàng tiếp cận các thị trường khó tính nước ngoài; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hoạt động cần đi vào bài bản, chuyên nghiệp (có các báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, quy chế làm việc, việc kiện toàn tổ chức, chế độ hội họp…), đảm bảo đúng người, đúng việc và hiệu quả.
Thứ tư, trong quá trình đăng ký bảo hộ CDĐL tại nước ngoài, cần xác định rõ, đây là cơ hội lớn mở ra đối với sản phẩm nông sản của địa phương. Vì vậy, cần tranh thủ tối đa sự hỗ trợ chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ, sự phối hợp của các đơn vị tư vấn. Chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời các số liệu, thông tin… theo yêu cầu của đối tác nước ngoài và đơn vị tư vấn. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với tư vấn, chính quyền địa phương, hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuẩn bị chu đáo các điều kiện, phương án, lường trước và có cách xử lý các tình huống phát sinh… để đưa đối tác nước ngoài đi khảo sát, đánh giá thực địa tại vùng sản xuất; đảm bảo đúng theo thông tin cung cấp tại hồ sơ, tránh gây ấn tượng không tốt hoặc sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng của phía bạn trong thời điểm này.
Thứ năm, sau khi đăng ký bảo hộ thành công CDĐL tại nước ngoài, Sở Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cho chủ sở hữu và hội sản xuất tiêu thụ sản phẩm hoàn thiện các vấn đề pháp lý, việc sử dụng logo, cập nhật và thay đổi thông tin, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và kiểm tra thực địa… Đây là nội dung quan trọng, liên quan đến việc duy trì và phát triển CDĐL, nhằm tránh những rủi ro không đáng có về tài chính cũng như vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ phía bạn.
Thứ sáu, cần tập trung quảng bá (tổ chức các hoạt động đón nhận văn bằng, qua các phương tiện truyền thông, báo chí, các sự kiện chính trị – xã hội, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh…) để đưa thông tin, hình ảnh của sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ thành công CDĐL tại nước ngoài đến với công chúng trong và ngoài nước. Một sản phẩm nông sản của Việt Nam, khi được đăng ký bảo hộ thành công CDĐL tại nước ngoài với các điều kiện khắt khe, phức tạp, là đã có được tấm “giấy thông hành” không chỉ vào thị trường này, mà thực sự còn mở ra cánh cửa vào các thị trường khó tính khác tại châu Âu, châu Mỹ bằng danh tiếng, chất lượng của chính mình.
Việc vải thiều Lục Ngạn được đăng ký bảo hộ CDĐL thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm này đến với thị trường Nhật Bản. Phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn cần sớm vượt qua để đứng vững được thị trường khó tính này. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý CDĐL là Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn – tổ chức này sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến văn bằng sau khi được cấp như nộp báo cáo hàng năm, thông báo sửa đổi, làm việc với các đoàn kiểm tra thực địa. Tiếp đó, nhận thức của người dân về việc tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất vải thiều, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản cũng cần được nâng cao và liên tục được giám sát. Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho người trồng vải, góp phần đảm bảo chất lượng quả vải, xúc tiến thương mại vải thiều ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyễn Thanh Bình( Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang)