Mối liên hệ giữa linh trưởng, ký sinh trùng và virus

BVR&MT – Gần một nửa số loài linh trưởng đang đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng, phần lớn do các hoạt động của con người. Nhưng không chỉ mình chúng chịu số phận mà một thế giới đa dạng sinh học tiềm ẩn khác cũng có thể biến mất: ký sinh trùng. Một số ký sinh trùng có thể nhảy sang các loài vật chủ mới và thúc đẩy sự lây lan virus vốn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đại dịch.

Cá thể khỉ đực Alouatta palliata aequatorialis bị một loại ruồi trâu (Oestridae) ký sinh ở hồ Gatun, Panama (Ảnh: Charles J. Sharp, Sharp Photography)

Theo một báo cáo gần đây trên tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B., các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính và phát hiện nếu tất cả 108 loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng thì 176 loài ký sinh trùng cũng có thể biến mất. Mọi người có thể cho đó là tin vui nhưng trên thực tế những con sâu, vi khuẩn, nấm, virus và hơn thế đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái trên hành tinh.

Logo chuyên trang về Cơ sở dữ liệu ký sinh trùng trên động vật có vú toàn cầu (Ảnh: Charles L. Nunn)

Nhà linh trưởng học James Herrera thuộc Trung tâm Lemur, Đại học Duke, Mỹ cho biết: “Động vật và ký sinh trùng đã cùng tiến hóa và tồn tại”. Ví dụ ruồi trâu ký sinh dưới da vật chủ (thường là khỉ rú, đôi khi cả con người) để đẻ trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ngụ ở những nang to cho đến khi chúng vỡ ra. Ruồi trâu thường không gây hại nghiêm trọng cho động vật nhưng đôi khi chúng giết vật chủ hoặc khiến vật chủ khó chạy thoát khỏi kẻ săn mồi – đây được xem là một phần của sự kiểm soát tự nhiên về số lượng quần thể.

Tiếc là hầu hết các ký sinh trùng chưa được nghiên cứu chi tiết, vì vậy, các nhà khoa học không hiểu được hậu quả của việc mất mát chúng. Việc số lượng lớn các loài linh trưởng bị đe dọa đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết với sự tồn tại của các ký sinh trùng sống dựa vào chúng, cụ thể: các loài linh trưởng bị đe dọa mang ít ký sinh trùng hơn các nhóm khỏe mạnh, ngụ ý rằng các loài linh trưởng đang gặp nguy hiểm đã mất đi một số ký sinh trùng.

Để nghiên cứu sự chung sống giữa linh trưởng và ký sinh trùng, Herrera và đồng nghiệp đã xây dựng một mạng lưới được tính toán để kết nối tất cả 213 loài linh trưởng với 763 ký sinh trùng tương ứng, ví dụ, các nhà khoa học đã liên kết loài ve ký sinh Haemaphysalis lemuris với 10 vật chủ của loài vượn cáo bao gồm vượn cáo đuôi vòng (Lemur catta) và vượn cáo xù lông đen trắng (Varecia variegata). Sau đó, các nhà nghiên cứu loại bỏ tất cả 108 loài linh trưởng được chỉ định là Cực kỳ nguy cấp, Nguy cấp, Sẽ nguy cấp hoặc Sắp bị đe dọa trong Danh lục đỏ IUCN. Trong mô phỏng, 250 ký sinh trùng bị mất vật chủ. Trong khi một số loài có thể ký sinh lên vật chủ khác thì 176 loài ký sinh trùng bị mắc kẹt mà không có lựa chọn vật chủ nào, đồng nghĩa với việc chúng có thể biến mất nếu các loài linh trưởng vật chủ chết đi. Minh họa cho sự mất mát kéo theo là ký sinh trùng Moniliformis tarsii vốn ký sinh trên khỉ Tarsius bancanus nên một khi loài khỉ tuyệt chủng, ký sinh trùng cũng chịu chung số phận.

Vượn cáo đuôi vòng (Lemur catta) leo dây tại Safaripark De Beekse Bergen ở Hà Lan (Ảnh: Daley van de Sande)

Việc loại bỏ một loài bị đe dọa đơn lẻ không gây hại cho mạng lưới tương tác đan xen giữa linh trưởng và ký sinh trùng trong mô hình của nhóm nhưng khi nhiều loài linh trưởng biến mất, mạng lưới bắt đầu sụp đổ. Herrera lưu ý ngay cả khi các loài linh trưởng biến mất trong tự nhiên nhưng sống trong các vườn thú, những động vật bị nuôi nhốt thiếu hầu hết các loại ký sinh trùng độc nhất chỉ có ở trong rừng.

Nguy hiểm hơn là một khi ký sinh trùng khi gặp nguy hiểm, chúng có thể cố gắng nhảy sang vật chủ mới. Tuy cuộc dịch chuyển này hầu hết đều thất bại nhưng nghiên cứu của Herrera bao gồm hơn 100 loại virus, ký sinh trùng có khả năng thích ứng cao chỉ ra rằng các loài ký sinh trùng có thể nhanh chóng phát triển để lây nhiễm sang vật chủ mới. Vì linh trưởng có họ hàng gần với loài người nên sự lây lan của virus có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra đại dịch tiếp theo.

“Nếu những ký sinh trùng này biến mất thì toàn bộ nhánh của cây tiến hóa mà chúng đại diện cũng biến mất theo”, Herrera bày tỏ.

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ