BVR&MT – Cắt giảm phát thải khí nhà kính, huy động tài chính khí hậu, tạo quỹ tổn thất và thiệt hại, cắt giảm khí metan,… là những mục tiêu khẩn cấp về khí hậu mà các chuyên gia môi trường mong muốn thế giới có thể đạt được trong năm 2022.
Các nhà hoạt động môi trường đã đặt nhiều hy vọng vào năm 2021. Họ hình dung một năm đầy đột phá khi các quốc gia sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, năm 2021 đã có một diễn biến khác. Trong khi các nước thành lập liên minh và thực hiện cam kết, phần lớn họ không đáp ứng được thách thức của cuộc khủng hoảng khí hậu, từ chối thực hiện những cam kết cơ bản nhất như huy động tài chính về khí hậu cho các nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, năm 2021 phải đối mặt với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho nhiều nước trên thế giới và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Với tình hình này, thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris và đối mặt với các tình trạng nguy hiểm như băng vĩnh cửu tan, hệ sinh thái rừng sụp đổ, những điều có thể tạo ra thảm họa môi trường trong vòng vài thập kỷ tới.
Khi năm 2022 đang tới gần, có rất nhiều mục tiêu khẩn cấp về môi trường mà các nhà hoạt động hy vọng các quốc gia, công ty và cá nhân có thể đạt được.
1. Cắt giảm phát thải khí nhà kính
Theo góc độ khoa học, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu rất đơn giản với việc các quốc gia chỉ cần ngừng thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, do nhiều lý do về chính trị và kinh tế, các nước vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về mặt khoa học.
Hàng trăm quốc gia đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhưng phần lớn các kế hoạch vẫn sơ sài. Điều này có thể khiến thế giới đối mặt với sự ấm lên toàn cầu đang trên đà chạm ngưỡng 2,7 độ C vào năm 2050.
Theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia vạch ra kế hoạch cắt giảm khí thải thông qua quá trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Vào năm 2022, các nước phải cải thiện NDC để thể hiện rõ cách chuyển đổi nền kinh tế phù hợp với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Những cải thiện lớn nhất cần đến từ các nước phát thải cao như Mỹ, Australia, Nga, Brazil và Trung Quốc.
2. Huy động tài chính khí hậu
Khủng hoảng khí hậu là một vấn đề toàn cầu. Các quốc gia ít phải chịu trách nhiệm nhất đối với sự nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học đang phải đối mặt với những hậu quả khắc nghiệt nhất. Do sự mất cân bằng này, các nước thu nhập cao vào năm 2009 đã cam kết sẽ cung cấp 100 tỷ USD tài chính khí hậu hàng năm cho đến năm 2020 để giúp các nước thu nhập thấp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cho đến nay, các quốc gia thu nhập cao vẫn chưa thực hiện được cam kết này. Ngoài ra, chi phí thực sự cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm cao hơn 100 tỷ USD, bởi vậy, ngay cả khi đạt được cam kết, số tiền này cũng sẽ không đủ.
Vào năm 2022, các quốc gia có thu nhập cao phải thực hiện cam kết tài chính khí hậu ban đầu và sau đó vượt ra ngoài cam kết để đảm bảo tất cả các nước trên toàn cầu có thể ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn tài trợ này cũng nên thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại để tránh việc các nước thu nhập thấp có thêm các khoản nợ.
3. Tạo quỹ khắc phục tổn thất và thiệt hại
Chi phí phục hồi sau biến đổi khí hậu đang tăng lên khi cháy rừng, bão lớn và hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn. Do đó, các quốc gia cần huy động quỹ cho “tổn thất và thiệt hại”. Các quỹ này cần được phân phối toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và sự chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia.
Tương tự như ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia cần tạo ra các cơ chế vào năm 2022 cho những tổn thất và thiệt hại. Điều này cho phép các quốc gia tiếp cận các nguồn lực để phục hồi sau các sự kiện môi trường thảm khốc. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các nước bị ảnh hưởng nặng nề đã đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ tổn thất và thiệt hại Glasgow với hy vọng điều này sẽ trở thành hiện thực vào năm 2022.
4. Kết thúc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch
Theo Global Citizen, sản xuất nhiên liệu hóa thạch nhận được 5,9 nghìn tỷ USD trợ cấp mỗi năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy rằng, việc chấm dứt các khoản trợ cấp này sẽ có tác động ngay lập tức và mạnh mẽ đến việc phát thải khí nhà kính. Trên thực tế, việc xác định chính xác nhiên liệu hóa thạch để tính vào chi phí sản xuất và các tác động xã hội sẽ cắt giảm 1/3 lượng khí thải.
Sau đó, số tiền đó có thể được chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các khía cạnh khác của nền kinh tế quốc gia để tài trợ cho một quá trình chuyển đổi phù hợp.
5. Ngừng phê duyệt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới
Cơ quan Năng lượng Quốc tế báo cáo rằng, nếu các quốc gia muốn duy trì ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, sẽ không có dự án nhiên liệu hóa thạch mới nào được phê duyệt. Điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch phải dừng lại ngay lập tức. Các dự án nhiên liệu hóa thạch hiện tại đủ cung cấp cho nhu cầu trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Các quốc gia cần nghiêm túc trong việc dần loại bỏ sản xuất nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 bằng cách không phê duyệt đề xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới. Đối với các quốc gia như Mỹ, vốn đang phê duyệt các dự án với tốc độ kỷ lục, điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực chính trị đáng kể.
6. Cắt giảm khí metan
CO2 là yếu tố được chú ý nhiều nhất khi phân tích về hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, metan là khí nhà kính đứng thứ hai và dù không tồn tại trong không khí lâu như CO2, metan giữ nhiệt trong khí quyển nhiều gấp 80 lần.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), giảm một nửa lượng khí thải metan, chủ yếu bằng cách xác định và ngăn chặn rò rỉ khí metan, sẽ ngăn chặn ấm lên toàn cầu hơn 0,3 độ C.
“Cắt giảm khí metan là đòn bẩy mạnh nhất mà chúng ta có thể làm để làm chậm biến đổi khí hậu trong 25 năm tới và bổ sung cho những nỗ lực cần thiết để giảm lượng khí CO2. Chúng ta cần sự hợp tác quốc tế để nhanh chóng giảm lượng khí thải metan càng nhiều càng tốt trong thập kỷ này”, Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP, cho biết.
7. Đầu tư vào bảo tồn và phục hồi
Giảm phát thải khí nhà kính là điều cần thiết nhưng tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng vẫn sẽ xảy ra nếu các quốc gia không bảo vệ được đa dạng sinh học toàn cầu, từ rừng, biển và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong vài năm qua, hơn 100 quốc gia đã cam kết bảo vệ 30% lãnh thổ đất liền và biển vào năm 2030, nhưng một số quốc gia gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất vẫn chưa ký vào cam kết, bao gồm Mỹ, Nga, Brazil và Trung Quốc.
Đạt được mục tiêu trên đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và sự hợp tác toàn cầu, đặc biệt khi liên quan đến các khu rừng và biển quốc tế. Ngoài ra, các quốc gia phải loại bỏ dần hoặc chuyển đổi các ngành công nghiệp có hại cho môi trường. Ví dụ, công nghiệp hóa nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu gây ra phá rừng, xói mòn đất, khan hiếm nước và phát thải khí nhà kính./.