BVR&MT – Việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 sẽ được báo cáo trong phiên họp của Chính phủ với địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa có Công điện số 08 gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo quy định, việc phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương, danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021 và phải được báo cáo lên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.
Ngày 9/12, Bộ KH&ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn việc này. Tuy nhiên, đến nay, Bộ mới nhận được quyết định phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ…
Trong số này, cũng vẫn còn 7 địa phương còn chưa phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương sớm hoàn thành việc phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2022 trước ngày 31/12/2021 và gửi về Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 10/1/2022 để cập nhật lên Hệ thống thông tin về đầu tư theo quy định.
Theo Bộ KH&ĐT, nội dung về phân bổ chi tiết vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 sẽ là một trong các nội dung được báo cáo trong phiên họp của Chính phủ với các địa phương (dự kiến đầu tháng 1/2022) và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022.
Công điện cũng nêu rõ, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nội dung tại công điện này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ việc chậm triển khai các nhiệm vụ về giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, việc chậm phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công của năm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Trước đây, vốn kế hoạch năm thường được phân giao nhiều lần, nhưng nay, Chính phủ đã quyết định giao kế hoạch một lần.
Đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo căn cứ vào kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đúng quy định, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định cũng như theo tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải chủ động rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính ngay khi có quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án để tổng hợp theo dõi, kiểm soát việc giải ngân.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án quan trọng quốc gia, dự án cấp thiết đang đầu tư dở dang; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022