BVR&MT – Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, chính sách xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh Đắk Nông, trong đó, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong là một trong những địa phương đang thực hiện khá hiệu quả. Công tác tổ chức thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới đã được xã Quảng Sơn chú trọng, đến 2020, xã đã đạt 13/19 tiêu chí theo chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số tiêu chí chưa hoàn thành. Do đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới tại xã Quảng Sơn hiện nay là cần thiết.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 BCH TW Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 1980/QĐ –TTg ngày 17/10/2016 về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 và sự chỉ đạo của UBND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, ngay từ đầu năm 2016 xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã ban hành các văn bản liên quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quảng Sơn đã ban hành một số Nghị quyết, Quyết định về các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của xã cũng như thực hiện tốt các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể như: Nghị quyết 03/NQ-ĐU ngày 05/5/2016 của Đảng ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 04-NQ/ĐU ngày 27/7/2016 của Đảng ủy về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 29/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND xã về cơ cấu nguồn vốn thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 về ban hành Quy định thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; Chính sách khen thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về quy định tỷ lệ, định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 12/NQ-HĐND ngày 02/8/2018 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND xã cũng đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, Bộ tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và Bộ tiêu chí vườn mẫu – rẫy mẫu.
Căn cứ các quy định, chỉ đạo của Trung ương thì địa phương đã tiến hành thành lập, kiện toàn đầy đủ hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo Chương trình từ cấp tỉnh tỉnh đến cấp xã và thôn, bon, buôn theo quy định của Trung ương, cụ thể: Ở cấp xã và thôn bon, buôn: Để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở thì xã Quảng Sơn đã thành lập, kiện toàn Ban quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã và 13/13 thôn, bon, đã thành lập Ban phát triển thôn, bon, buôn. Ngoài ra, để huy động được sự quan tâm của các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn xã, UBND Huyện đã chỉ đạo các xã thành lập thêm Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã và đến nay xã Quảng Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã do Bí thư xã làm Trưởng Ban chỉ đạo. Nhìn chung, việc ban hành kịp thời các cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội của xã cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã ngày càng có chất lượng và bền vững.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đào tạo nghề cho lao động
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể xã và các thôn, bon quan tâm triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách xây dựng nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép giữa công tác chuyên môn gắn với tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới vào các cuộc họp, hội nghị, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các Ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội trong xã đã tổ chức phát động các phong trào thi đua, điển hình như: phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam xã; “Tuổi trẻ Quảng Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới” của xã đoàn; “Phụ nữ xã Quảng Sơn chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” của Hội phụ nữ; “Nông dân các dân tộc xã Quảng Sơn chung tay xây dựng nông thôn mới” của Hội nông dân xã; “Sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức về công cuộc xây dựng nông thôn mới” của Ban Chấp hàng công đoàn xã; Hội người cao tuổi và Hội cựu chiến binh tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước “tuổi cao – gương sáng”; Hội cựu chiến binh phát huy bản chất người lính cụ Hồ đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”; Ban Chỉ huy Quân sự xã với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Công an xã với phong trào “Công an xã Quảng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”,…. và có 13/13 thôn, bon tổ chức phát động thi đua xây dựng nông thôn mới tới mọi người dân. Các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội nông dân xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh đã triển khai tổ chức hội thi tìm hiểu về Chương trình xây dựng nông thôn mới từ cấp thôn, bon đến xã tạo được cách làm mới trong công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả thiết thực đến nhận thức của người dân.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đào tạo nghề cho lao động
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, những người làm công tác xây dựng nông thôn mới cũng được Đảng ủy xã Quảng Sơn coi trọng. Chỉ trong năm 2019, 13 lượt cán bộ trên địa bàn xã đã được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Quảng Sơn cử đi tham gia các khóa tập huấn do tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức về thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, năng lực triển khai thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới của đội ngũ cán bộ đã được cải thiện và nâng cao. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã phối hợp tổ chức được hàng chục lớp tập huấn về các cơ chế chính sách khuyến nông, giáo dục nghề nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới…và các buổi hội nghị, hội thảo về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, Đảng ủy xã Quảng Sơn đã tập trung chỉ đạo Trung tâm học tập Cộng đồng liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài huyện Đắk Glong mở được 8 lớp dạy nghề với sự tham gia của 907 lao động tại địa phương. Sau khi kết thúc các lớp đào tạo nay, 100% người lao động đã có việc làm, học viên đã biết vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn sản xuất, qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thúc đẩy giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Từ năm 2016 -2020, Mặt trận và các Đoàn thể xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị 155 lớp tập huấn về khoa học – kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên và nông dân trên địa bàn xã, thu hút hơn 3.177 lược người tham gia; Tổ chức được 22 cuộc hội thảo có hơn 2.116 người tham gia. Chỉ riêng trong năm 2020 đã tổ chức được 6 lớp tập huấn cho hơn 150 lược cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới xã, thôn, bon. Cử hơn 20 lượt cán bộ từ xã đến thôn, bon tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới do tỉnh, huyện tổ chức .
Huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thông qua huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, 39 tỷ đồng đã được đầu tư vào xây dựng nông thôn mới, trong đó có 31,6 tỷ đồng ngân sách và 7,4 tỷ đồng từ các nguồn đóng góp khác. Đảng ủy xã Quảng Sơn chỉ đạo tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: Giao thông nông thôn, thủy lợi, giáo dục, an sinh xã hội, văn hóa. Như vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020, Đảng ủy xã Quảng Sơn đã huy động và sử dụng nguồn vốn khá hợp lý trong đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn của tỉnh, huyện, vốn ngân sách trực tiếp của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghéo từ các chương trình, dự án; Đảng ủy xã đã phối hợp với các đơn vị đỡ đầu và nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, hiến đất,… để đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã với tổng kinh phí quy đổi ước tính gần 250 triệu đồng. Trong năm 2020, tổng số vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới tại xã Quảng Sơn là 14 tỷ đồng, trong đó, 10,8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của xã và 8,650 tỷ đồng là từ nguồn vốn huy động đóng góp từ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn xã .
Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện
Công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua được xã quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả, tiêu biểu như: Thành lập Đoàn kiểm tra giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 – 2016 tại các thôn, bon và các ngành phụ trách thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới. UBND xã đã ban hành Quyết định số 1423/QĐ-UBND ngày 22/8/2016, về việc thành lập 04 Đoàn kiểm tra để đánh giá tình hình thực hiện Chương trình nông thôn mới tại 13/13 thôn bon; đồng thời hàng năm chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra, đánh giá, rà soát để xã đưa vào kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; từ đó có phương hướng chỉ đạo nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thường xuyên thực hiện tốt việc giám sát các địa phương trong việc thực hiện các nội dung của Chương trình và đã có những phản biện, phản ánh kịp thời để chấn chỉnh những vấn đề bấp cập ở cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: tại một số nơi, một số thôn, bon thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền còn chưa kịp thời; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp đôi khi còn chồng chéo, một số ngành chưa thực sự giành nhiều thời gian, quan tâm đến việc thực hiện chương trình. Công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách có những lúc chưa kịp thời, còn nặng về hình thức mà chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác tham mưu xây dựng nông thôn mới ở xã còn bất cập và chủ yếu là làm kiêm nhiệm; trình độ năng lực cán bộ ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bởi vậy, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong được coi là hoạt động hết sức thiết thực và phù hợp. Trong đó, đã được đề xuất như: Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền. Nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát quá trình chức thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách. Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách theo hướng đa dạng về hình thức với sự tham gia của các cấp, các ngành, của toàn hệ thống chính trị địa phương. Ba là, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân. Chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân toàn xã. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số. Trong quá trình đào tạo nghề, nếu người học làm ra sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường thì sẽ được hưởng lợi một phần từ sản phẩm đó. Sau khi học xong được ưu tiên bố trí việc làm, được bao tiêu sản phẩm, được xét miễn giảm thuế trong thời gian đầu nếu trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có chính sách ưu tiên các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn cho đồng bào ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặt biệt khó khăn. Cần có lộ trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với đặc điểm khí hậu của địa phương. Tích cực chuyển giao khoa học công nghệ về tận nơi sản xuất, tận tay người sản xuất thông qua các cơ chế khuyến nông nhằm giúp người dân ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận được tiến bộ khoa học công nghệ. Cử cán bộ nông – lâm nghiệp trực tiếp về tận nơi sản xuất để hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, phòng bệnh các loại cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh đó, cần huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Đắk Nông theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoách sử dụng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát. Đồng thời, có cơ chế huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp vào thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới.
Song song với đó, cần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội về tầm quan trọng của thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới. Phát động và tổ chức đăng ký thi đua xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu đến từng hộ dân. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đảng cơ sở, nhất là tại các thôn, bon; đồng thời, tăng cường giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước vững mạnh đủ khả năng quản lý, điều hành thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó, lấy Hội nông dân làm nòng cốt.
Cuối cùng, tăng cường tổ chức các hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân. Tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng, đơn thư của công dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Ban Dân vận xã Quảng Sơn cần tăng cường nắm tình hình nhân dân, trọng tâm là tình hình cuộc sống của nhân dân, nhất là trong bối cảnh tác động do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình dân tộc, tôn giáo; tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc, phát sinh trong Nhân dân.
Đức Thọ