BVR&MT – Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tỉnh Quảng Trị đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung đầu tư; kết cấu hạ tầng vùng miền núi có những chuyển biến đáng kể.
Việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố, việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng; bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Vấn đề đặt ra hiện nay là kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển chậm; tỉ lệ hộ nghèo còn cao; nguồn lực hỗ trợ cho vùng miền núi chưa đáp ứng với nhu cầu. Đội ngũ cán bộ nhìn chung còn thiếu, nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tăng cao… Để tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tinh thần đề ra của chỉ thị là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Trước hết, tập trung triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển các vùng chuyên canh, thâm canh; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, hình thành các chuỗi giá trị đối với một số cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao gắn với chế biến xuất khẩu.
Thực hiện tốt chính sách định mức khoán bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc. Quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí hợp lý dân cư các khu vực tái định cư đối với những vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng đang triển khai các chương trình, dự án động lực, trọng điểm của tỉnh. Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt cho đồng bào.
Cùng với đó là tập trung các giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững trong vùng; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh; chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng tỉ lệ khám, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở; tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, tỉnh và trung ương thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm lo các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Và một giải pháp quan trọng nữa cần tập trung thực hiện là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc và miền núi. Chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, buôn lậu; chống các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố tổ chức, bộ máy; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng kết các chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.