BVR&MT – Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đang sẵn sàng quay trở lại một khi các hạn chế Covid-19 ở Đông Nam Á dần được nới lỏng.
Đông Nam Á đang trải qua sự bùng nổ của thương mại điện tử, truyền thông xã hội và dịch vụ kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch với 440 triệu người dùng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số vào năm 2020. Chỉ riêng mua sắm trực tuyến được dự báo sẽ đạt 172 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp đôi so với năm 2020. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử mang lại cơ hội cho nhiều lĩnh vực, cả hợp pháp và bất hợp pháp, vì vậy nếu không được giải quyết đúng cách, tội phạm mạng có thể sinh sôi nảy nở khắp khu vực. Một khi các hạn chế Covid-19 dần được nới lỏng ở Đông Nam Á, các đối tượng buôn lậu có khả năng khai thác các cơ hội do hoạt động kinh tế gia tăng, dịch vụ kỹ thuật số và biên giới mở cửa trở lại để mở rộng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, đe dọa an ninh và tính bền vững của hệ sinh thái khu vực.
Số vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã được báo cáo ở Đông Nam Á đã giảm kể từ khi bắt đầu đại dịch do tác động của lệnh đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và cấm buôn bán. Tuy nhiên, thống kê này chưa bao gồm số vụ và khối lượng sản phẩm động vật hoang dã bị buôn lậu online và nguồn sản phẩm động vật hoang dã được dự trữ, chưa kể số vụ săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp và buôn bán địa phương ngày càng gia tăng do khó khăn về sinh kế dưới tác động của đại dịch. Thống kê cho thấy số sản phẩm động vật hoang dã được bán trực tuyến ở Đông Nam Á đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015 và nhiều khả năng sự gia tăng này bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực.
Trong số các nền tảng trực tuyến, Facebook vẫn phổ biến hơn cả, đặc biệt là tại Indonesia – nơi có tới 130 triệu người dùng mạng xã hội, Facebook hiện là trung tâm hoạt động buôn bán ngà voi. Theo TRAFFIC, từ tháng 1 – 5/2021, Facebook đã xóa 1.953 nhóm liên quan đến việc mua bán động vật hoang dã bị cấm ở Indonesia và Philippines. Từ tháng 12/2019 – 5/2020, hơn 2.100 động vật hoang dã thuộc 94 loài khác nhau bị rao bán trên Facebook ở Myanmar và con số này mới chỉ bao gồm các tài khoản bị gắn cờ (tài khoản quảng cáo bị vô hiệu hóa).
Việc số hóa nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã đã làm cho nhiệm vụ phòng, chống tội phạm khó khăn hơn bội phần, đặc biệt là khi các đối tượng buôn lậu có thể bảo vệ danh tính bằng cách sử dụng tên tài khoản gây hiểu nhầm, ứng dụng được mã hóa, nhiều tài khoản và mạng riêng ảo (Virtual Private Network – VPN). Ngoài ra, tiền tệ kỹ thuật số và tin nhắn mã hóa cũng làm phức tạp nỗ lực theo dõi các giao dịch. Một khi bị lộ danh tính, các đối tượng lập tức chuyển sang các chiến thuật và nền tảng khác để tiếp tục bán hàng. Điểm đáng ngại là các nền tảng kỹ thuật số cho phép khách hàng dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm độc, lạ thông qua công cụ tìm kiếm thay vì liên hệ trực tiếp và hàng lậu có thể được vận chuyển dễ dàng qua bưu điện với các sản phẩm kích thước nhỏ khiến việc phát hiện càng khó khăn hơn.
Mặc dù Đông Nam Á là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới nhưng nơi đây cũng có nhiều loài bị đe dọa hơn bất kỳ nơi nào khác. Đông Nam Á đã trải qua tốc độ phá rừng nhanh nhất toàn cầu và sự gia tăng của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã làm suy yếu mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực. Một khi Đông Nam Á mở cửa trở lại, nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cũng sẵn sàng bùng nổ, nhất là ở các khu vực có thương mại, du lịch và lao động dồi dào. Do đó, các quốc gia trong khu vực cần hợp lực giải quyết những thách thức do buôn bán trái phép động vật hoang dã kỹ thuật số gây ra trước khi nó làm trầm trọng thêm các thách thức về an ninh lương thực, quốc gia và sinh thái. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mối quan tâm của các phương tiện truyền thông xã hội và công ty thương mại điện tử trong việc tăng cường hợp tác ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Thảo Linh (Theo Thediplomat)