BVR&MT – Núi Mâm Xôi thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc đã bị một số hộ dân san gạt, lấn chiếm để xây dựng các công trình, làm phá vỡ cảnh quan.
Là một phần không thể thiếu của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, nơi diễn ra nhiều nghi thức quan trọng liên quan đến Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – Đức thánh Trần, nhưng núi Mâm Xôi đã bị một số hộ dân san gạt để xây dựng các công trình.
Núi Mâm Xôi thuộc thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo (Chí Linh). Xung quanh núi có khoảng 20 hộ dân đang sinh sống trên diện tích đất rừng sản xuất. Theo UBND xã Hưng Đạo, các hộ này đều đã được cấp “sổ đỏ”. Khoảng 3 năm trước, một số hộ đã hiến đất để mở rộng đường từ đền Kiếp Bạc đi lên núi Mâm Xôi. Sau khi hiến đất, một số gia đình đã san gạt chân núi để xây dựng các công trình. Việc san gạt và chuyên chở đất ra khỏi khu vực này đã bị cấm tuyệt đối 2 năm nay nhưng thực tế hoàn toàn khác, khiến di tích bị biến dạng. Ở phía đông bắc và tây bắc đã bị lấn chiếm sâu vào sườn núi. Có hộ khoét sâu vào chân núi để xây dựng nhà lợp mái tôn. Vết tích của máy xúc gạt đất còn in rõ trên sườn núi. Toàn bộ cây ở những khu vực này đã bị chặt bỏ để lộ ra những khoảng đất trống. Cạnh đó, một chiếc máy xúc vẫn đang tập kết ở nhà một hộ dân. Nhìn từ trên cao, ngọn núi bị xâm phạm nham nhở, phá vỡ cảnh quan của toàn bộ khu vực.
Ông Vũ Duy Đăng, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết do đặc thù nhà dân ở chân đồi, chân núi thì phải san gạt mới xây dựng được. Xã cũng đã yêu cầu người dân san đất ở khu vực nào thì phải trồng cây lại ở khu vực đó để không phá vỡ cảnh quan.
Theo một người dân thôn Bắc Đẩu, việc san gạt đất lấn sâu vào chân núi, vận chuyển đất ra khỏi khu vực diễn ra vào ban đêm. “Một vài nhà làm được thì nhiều nhà làm theo nếu địa phương không ngăn chặn ngay. Việc múc đất chuyển đi nơi khác và làm nhà ở chắc chắn địa phương phải biết vì diễn ra trong một thời gian dài”, người dân này cho biết.
Một cán bộ Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng xác nhận việc này và cho biết trước đó có hộ dân sau khi san gạt đã vận chuyển đất ra ngoài vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Sau khi có tình trạng này, cán bộ Ban Quản lý đã vài lần trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Hưng Đạo đề nghị có biện pháp tuyên truyền, vận động và ngăn chặn để bảo vệ khu di tích. Hiện nay, việc san gạt và xây dựng đã dừng lại nhưng không ai dám chắc tình trạng xâm phạm di tích có tái diễn hay không?!
Tương truyền Đức thánh Trần Hưng Đạo hóa vào ngày 20.8 năm Canh Tý (1300). Trước khi hóa thánh, người lên núi Mâm Xôi, một trong chín ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng phía sau đền Kiếp Bạc rồi để lại một chiếc giầy. Từ đây, người dân chọn núi Mâm Xôi là nơi tổ chức Lễ giỗ Đức thánh Trần. Hằng năm vào ngày 20.8 âm lịch, trên đỉnh núi Mâm Xôi đã diễn ra nhiều nghi thức quan trọng nằm trong các hoạt động tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Dòng tộc họ Trần và khách tham quan đều lên núi để dâng hương tưởng nhớ.
Theo đại diện Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh, sau khi nhận thông tin từ Báo Hải Dương, cán bộ kiểm lâm đã tiến hành kiểm tra, xác nhận có tình trạng người dân san gạt. Lực lượng kiểm lâm đã bấm tọa độ và xác định cánh rừng ở khu vực núi Mâm Xôi thuộc diện tích đất rừng sản xuất. Nếu cấp “sổ đỏ” cho diện tích này hiện nay thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh với rất nhiều quy trình chặt chẽ. Cán bộ kiểm lâm đã yêu cầu các hộ dân vào đầu xuân phải trồng lại toàn bộ số cây đã bị san gạt để bảo vệ rừng và tạo cảnh quan cho khu di tích.
Núi Mâm Xôi nằm sau đền Kiếp Bạc được trồng chủ yếu là thông và bạch đàn. Không chỉ tạo cảnh quan hài hòa với khu di tích mà ngọn núi còn mang ý nghĩa tâm linh, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của một vị tướng lỗi lạc trong lịch sử. Vì vậy, bảo vệ núi Mâm Xôi, không để tái diễn tình trạng san gạt, lấn chiếm phá vỡ cảnh quan là việc cần được tiến hành ngay.