Khi mét vuông đất rừng có giá tương đương nửa gói xôi

BVR&MT – Năm 2021, các sở ngành tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chủ đầu tư dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt (Lâm Đồng) đền bù 19 tỷ đồng vì làm mất 257ha đất rừng. Tính ra, mỗi m2 rừng có giá 7,4 nghìn đồng, bằng nửa gói xôi.

Hai bộ, 2 số liệu về diện tích đất rừng

Ngày 22/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai năm 2019 của cả nước. Theo đó, tổng diện tích tự nhiên là 33.131.713 ha. Bao gồm: nhóm đất nông nghiệp 27.986.390 ha; nhóm đất phi nông nghiệp 3.914.508 ha; nhóm đất chưa sử dụng 1.230.815 ha.

Riêng đất rừng là 15.381.113ha, trong đó 2.294.090 ha đặc dụng; 7.975.105 ha sản xuất: 5.111.918 phòng hộ.

Được biết, Bộ TN&MT đã đối soát hồ sơ địa chính, thực địa với ảnh vệ tinh… Tuy vậy, số liệu đất rừng không khớp với số liệu ông Nguyễn Xuân Cường khi còn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) công bố trước Quốc hội vào ngày 3/11/2020 là 14,6 triệu ha.

Hệ thống thông tin giám sát rừng quốc gia Campuchia (Ảnh so sánh đất rừng tại vùng 3 biên giới không có giá trị ranh giới/biên giới quốc gia): Nguồn: Hanoidata

Kết quả kiểm kê của Bộ TN&MT cũng không kèm theo Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của cả nước (tỷ lệ 1:1.000.000); các vùng kinh tế – xã hội (tỷ lệ 1:250.000), thuyết minh bản đồ… nên không rõ nguyên nhân diện tích đất rừng vênh nhau gần 1 triệu ha.

Sai số khổng lồ có thể do cách hiểu về đất rừng của ngành TN&MT – cơ quan xây dựng bản đồ địa chính khác với Bộ NN&PTNT là cơ quan quản lý sản xuất khai thác đất rừng.

Ảnh Google Earth khu vực biên giới 3 nước cho thấy, rừng Campuchia được bảo vệ tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Đó là kết quả của chính sách bảo vệ rừng hiệu quả, với hệ thống thông tin bản đồ quản lý rừng quốc gia hiện đại, sử dụng công nghệ số với hình ảnh vệ tinh và các công cụ quan sát thời gian thực sinh động, chính xác, hiệu quả với chi phí thấp.

Những công nghệ này cũng sẵn có tại Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước chủ động nhưng vẫn chưa được các cơ quan quản lý quan tâm ứng dụng.

Đất rừng Việt Nam đang được quản lý và khai thác như thế nào?

Theo Luật Đất đai 1993, cơ quan quản lý đất đai ở trung ương là Bộ TN&MT ban hành quy trình kỹ thuật, quy phạm xây dựng bản đồ địa chính. Bản đồ địa chính gốc được lưu giữ tại bộ này.

Phát triển sản xuất nông sản mới tại các tỉnh có rừng như Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ… vốn có rừng, thu hút lao động từ các tỉnh nông nghiệp truyền thống từ ĐBSH. Nguồn: WB

Luật Đất đai sửa đổi 2003, 2013 hợp nhất với 2018 xác lập chi tiết nhiệm vụ, nguồn lực xây dựng bản đồ địa chính giao cho Bộ TN&MT.

Tính đến 2013, đã có bản đồ địa chính 13,5 triệu ha (tương đương hơn 40% diện tích của 33 triệu ha đất liền tự nhiên). Trong đó, có 88% là bản đồ đất rừng (11,9/13,5 triệu ha) do ngành TN&MT thực hiện từ năm 2006 với kinh phí 234 tỷ đồng (khoảng 17 triệu USD).

Tuy nhiên, kết quả đo vẽ lớn nhưng mới dừng ở mức khoanh vùng tổng thể, chưa phân định chi tiết, tỷ lệ quá lớn (1/10.000) nên không thể dùng để giao đất.

Hầu hết, các lâm trường quốc doanh không có bản đồ phần đất mình đang quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng tràn lan.

Ngày 3/11/2020, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khi đó là ông Nguyễn Xuân Cường cho biết tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,3 triệu ha; hệ số che phủ rừng gần 42%, (bình quân độ che phủ rừng của thế giới là gần 29%).

AT.COM giới thiệu giải pháp ứng dụng ảnh vệ tinh để phát hiện phá hoại rừng tại Việt Nam

Trong 4,3 triệu ha rừng trồng, đã sản xuất ra 30 triệu m3 gỗ; có 4.600 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản. Con số ấn tượng về ngành công nghiệp khai thác rừng, nhưng mới chỉ chiếm 30% trong tổng số gần 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản của Việt Nam 2019.

Báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” của WB cho thấy, nông sản của Việt Nam được xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng giá thành thấp, làm cho giá trị gia tăng nông nghiệp/lao động nông nghiệp Việt Nam thấp so với các quốc gia lân cận.

Nguy hại lớn hơn là phá rừng tự nhiên quy mô lớn để trồng cây xuất khẩu làm thoái hoá đất, khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm, tàn phá đa dạng sinh học. Đất rừng công sản đang được chuyển dần sang sản xuất và biến hình thành đất tư hữu…

Quản lý lỏng lẻo tạo cơ hội cho việc hủy hoại đất rừng

Ngành TN&MT vẫn vận hành mô hình tài liệu quản lý đất đai chia đất nông nghiệp thành 6 loại (với 30 loại, ký hiệu, màu sắc thống kê, vẽ bản đồ…). Điều này vô tình vừa làm khó cho quản lý cấp cơ sở vừa ít có giá trị cho công tác quản lý, khai thác tài nguyên.

Tháng 10/2021, Bộ TN&MT thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất cấp tỉnh được chuyển đất rừng đặc dụng làm dự án.

Rất may, đề xuất này đã được các cơ quan quản lý cấp trên cho rằng thay đổi lớn cần tổng kết đánh giá. Nếu không có nguyên tắc, tiêu chí, định hướng quản lý đi kèm thì có nguy cơ bị lạm dụng chính sách.

Những hạn chế về kỹ thuật, công nghệ lạc hậu và mô hình quản lý đất đai không còn phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang phải vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế.

Ưu tiên hàng đầu và có thể tiến hành ngay tức thời là ứng dụng công nghệ số, cụ thể là thay bản đồ giấy bằng công nghệ số với các ứng dụng bản đồ vệ tinh, không ảnh để tăng cường năng lực quản lý, giám sát tài nguyên hiệu quả.

Bên cạnh đó là tách vai trò cung cấp dịch vụ xây dựng tư liệu quản lý ra khỏi chức năng quản lý của Bộ TN&MT trong nội dung Luật Đất đai sửa đổi mới hy vọng tài nguyên đất rừng có cơ hội hồi sinh, phát triển.

NGUỒNvietnamnet.vn
Tags:
CHIA SẺ