BVR&MT – Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX, dự kiến UBND tỉnh sẽ trình tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh).
Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 74-NQ/TU ngày 27/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh. Các Nghị quyết đã xác định năm nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; hỗ trợ phát triển cây bưởi; hỗ trợ phát triển rừng sản xuất; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Sau hai năm triển khai thực hiện, ước đến hết năm 2021, các chính sách đã hỗ trợ trồng mới bưởi đạt trên 600ha, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên cây bưởi thời kỳ kinh doanh ước đạt 2.200ha; hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn ước đạt trên 1.000ha, cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt trên 17.700ha. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ bốn dự án sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; phê duyệt hỗ trợ tám dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ ước đạt trên 44 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 42 tỉ đồng.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới tổ chức sản xuất, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, thúc đẩy tham gia liên kết, nâng cao tính chủ động của người dân trong sản xuất.
HTX Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn có diện tích canh tác gần 10ha, liên kết tiêu thụ với một số hộ dân. Ông Đinh Mạnh Cường – Giám đốc HTX cho biết: HTX được phê duyệt dự án hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè tạo động lực cho HTX đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng quy trình sản xuất an toàn, đầu tư máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ. Trung bình mỗi năm HTX sản xuất, chế biến trên 10 tấn chè thành phẩm với giống chè chủ lực là Kim Tuyên, LDP1. HTX tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng liên kết sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 05 còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập nên nhiều địa phương còn lúng túng, kết quả thực hiện chính sách chưa cao, vì vậy việc ban hành Nghị quyết thay thế là cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn – TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc ban hành Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn sản xuất. Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh Phú Thọ đã xác định quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác; chuyển từ tư duy chỉ đạo sản xuất nông nghiệp sang chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm… Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch đã đề ra, tác động vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo Dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, có bốn nhóm chính sách hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. So với Nghị quyết số 05, có một số chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung; có chính sách đề nghị bãi bỏ và có nội dung đề xuất bổ sung về hỗ trợ cây quế; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ thưởng sản phẩm đạt chuẩn OCOP… Một số nội dung về hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại không đề xuất xây dựng chính sách do UBND tỉnh đã ban hành một số chương trình, kế hoạch và xác định nguồn lực triển khai thực hiện.