BVR&MT – Là tỉnh miền núi, Phú Thọ có nhiều tiềm năng về sản xuất nông lâm nghiệp. Để gia tăng chuỗi giá trị của lĩnh vực này, tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến với phương châm lấy công nghiệp hỗ trợ nông lâm nghiệp bứt phá.
Nhiều tiềm năng
Phú Thọ có diện tích tự nhiên 353,4 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 33%, đất lâm nghiệp trên 48%… Toàn tỉnh hiện còn trên 297.000ha đất nông nghiệp nằm trải rộng ở cả khu vực vùng núi, trung du, đồng bằng, thuận lợi cho phát triển những vùng chuyên canh hàng hóa, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Ngành nông nghiệp tỉnh đã được khẳng định từ những nông sản hàng hóa có giá trị như: Bưởi Đoan Hùng, hồng không hạt, nếp Gà Gáy, khoai tầng, chuối phấn vàng, gà nhiều cựa…
Để nông nghiệp phát triển bền vững, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, đáng kể đến là mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa, ngô với diện tích hàng nghìn ha ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê; mô hình trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hiện toàn tỉnh có hơn 140,6 nghìn ha rừng, tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 39,8%, trong đó, diện tích rừng sản xuất khoảng trên 120 nghìn ha, sản lượng gỗ ước đạt trên 678 nghìn m3; nhiều vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng được hình thành ổn định để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tổ chức bảo vệ nghiêm hơn 17 nghìn ha diện tích rừng đặc dụng, hơn 22 nghìn ha rừng phòng hộ; thực hiện trồng 103,4ha rừng đặc dụng và 425,7ha rừng phòng hộ; rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.
Để phát triển kinh tế rừng bền vững, tỉnh đã chỉ đạo trồng rừng sản xuất tập trung, tuyển chọn giống có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ đưa vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng…
Đối với diện tích cây chè trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 16 nghìn ha với sản lượng chè búp tươi đạt trên 185 nghìn tấn/năm, được quy hoạch vùng tập trung ở 9/13 huyện, thị, thành trong tỉnh, đưa Phú Thọ vươn lên đứng thứ tư về diện tích và thứ ba về sản lượng chè toàn quốc. Một số sản phẩm chè xanh, chè đen của tỉnh đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Pakistan… và tham gia một số thị trường khó tính như: Đức, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản…
Ngoài ra, tỉnh đã phát triển diện tích rừng trồng quế 3.000ha trên địa bàn huyện Tân Sơn và Yên Lập; phát triển nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có thế mạnh như mây tre, dược liệu… với diện tích khoảng 500ha tại huyện Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa. Kinh tế rừng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Đẩy mạnh công nghiệp chế biến
Để khai thác thế mạnh của nông lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản không chỉ đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp chung mà được coi là “bà đỡ” cho nông lâm nghiệp của tỉnh phát triển bứt phá.
Đến hết tháng 8/2021, tỉnh đã có 99 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp (chiếm tỉ lệ 11,51%); tổng mức vốn đăng ký trên 6,2 nghìn tỉ đồng (chiếm tỉ lệ 13,64%). Địa bàn chủ yếu đầu tư tại các huyện: Thanh Ba, Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Sơn…
Tỉnh đã hình thành 430 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao với trên 11,5 nghìn ha; hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 3,4 nghìn ha/năm; mở rộng 22 chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; hàng trăm trang trại, hợp tác xã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn bước đầu đã hình thành một số ngành chế biến như chế biến chè (Thanh Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng), chế biến gỗ (Đoan Hùng, Yên Lập), sản phẩm lúa gạo (Lâm Thao, Tân Sơn);…
Đặc biệt, ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có 178 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 714 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản quy mô vừa; khoảng 2,1 nghìn cơ sở chế biến gỗ quy mô hộ gia đình.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 133 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chế biến nông sản và hàng nghìn cơ sở nhỏ, lẻ quy mô nhóm, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế phục vụ tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh có 75 làng nghề, hơn một nửa trong số đó là các làng nghề sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Tuấn – TUV, Giám đốc Sở NN&PTNT, với những kết quả đạt được, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp, đưa giá trị của ngành tăng thêm lên 4,5%/năm; giá trị sản phẩm bình quân đất canh tác đạt 108 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai và nghiên cứu dự án đầu tư vào địa bàn. Tiếp tục chuyển giao, ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, trồng rừng gỗ lớn, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến,… coi đây là yếu tố trọng yếu tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; xã hội hóa các nguồn lực; tăng cường mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để tranh thủ, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tạo đà bứt phá cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao.