BVR&MT – Thời gian qua, du lịch cộng đồng người Mường ven hồ sông Ðà (Hòa Bình) gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Chưa kể nước hồ cạn sâu dẫn tới nguy cơ trắng tay với nghề nuôi cá lồng… Bối cảnh đầy thử thách, xứ Mường vẫn xanh trong, bền bỉ với niềm tin và nỗ lực không ngừng.
Ngay thời điểm này, người dân ở những xóm nhỏ ven hồ vừa tích cực lao động sản xuất, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống… chờ cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch văn hóa.
Bền bỉ vượt khó
Nhắc tới xóm Ðá Bia (xã Tiền Phong, huyện Ðà Bắc, tỉnh Hòa Bình)-điểm du lịch nằm trong Khu du lịch hồ Hòa Bình, từng vinh dự nhận giải thưởng “Du lịch cộng đồng ASEAN” năm 2019, nhiều du khách thường nhớ tới những gian hàng “tự giác” được dựng từ tre nứa, lá cọ… bày bán nông sản đặc trưng của xứ Mường. Không cần người trông nom, chào mời… giá cả được đề sẵn bên sản phẩm, ai mua tự giác cho tiền vào chiếc giỏ nan. Chiều tối, bà con làm ruộng nương trở về, qua gian hàng trước ngõ, thấy hàng thiếu, chỉ cần đưa tay vào giỏ là có tiền. Xuất xứ của hàng quán tự giác có từ cách đây nhiều chục năm, khi xóm Mường còn sinh sống quần tụ dưới thung lũng với hàng trăm nóc nhà sàn rộng dài, bản sắc. Khi xây dựng công trình thủy điện, cả làng bản di cư lên vùng đất cao hơn. Bao điều đã mất mát, mai một đi, ngay cả những nếp nhà sàn xưa cũng không còn giữ được nguyên vẹn khi chuyển lên chênh vênh sườn núi, nhưng gian hàng “tự giác” vẫn được bảo tồn, làm nên nét bình yên cho xóm nhỏ. Phụ nữ người Mường khéo tay hay làm… cả ngày đi nương rẫy, tối đến lại làm bánh chưng gù, bánh nẹt, thổi xôi, nướng cá… để gian hàng sáng mai thơm nức, hấp dẫn ngay chính người trong xóm. Không đơn giản chỉ là bán mua, những gian hàng còn thể hiện tinh thần sẻ chia, đùm bọc. Giá rẻ, mỗi nhà mỗi món riêng… người già, trẻ con ở nhà có bận bịu vườn tược, chăm nuôi cá lồng, gia súc… vẫn yên tâm vì mỗi gian hàng đã là một căn bếp nhỏ. Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Ðá Bia từ bốn năm nay đã thu hút 33 trong số 40 hộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động lưu trú, cung cấp lương thực thực phẩm, biểu diễn văn nghệ… Người dân ở Ðá Bia đã nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán để tạo nên nét riêng, thu hút du khách đến ngày một nhiều hơn.
Từ Ðá Bia, đi đường thủy sẽ tới bản Ngòi, một bản làng cũng của đồng bào Mường thuộc xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 20 km. Ðến đây, du khách có thể thưởng ngoạn nhiều điểm đến: Vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên, bản Mường… Cộng đồng xóm bản với hàng trăm ngôi nhà sàn truyền thống, nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ, lưu truyền… làm nên nét cuốn hút độc đáo. Trước kia, các hộ dân chủ yếu làm nông, đánh bắt cá trên hồ. Vài năm trở lại đây, bản Ngòi có nhiều đổi khác. Nhận thức, tư duy người dân về phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa được nâng lên với nhiều hoạt động thiết thực như: Kiến tạo môi trường xanh-sạch-đẹp, thành lập các đội văn nghệ, tham gia lớp tập huấn đào tạo kỹ năng…
Hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, những xóm du lịch cộng đồng như Ðá Bia, bản Ngòi… hầu như ngừng đón khách. Nhiều nhà sàn bị ẩm mốc, mối mọt, bà con phải mất nhiều công sức trùng tu; việc nuôi cá lồng chịu thiệt hại nghiêm trọng vì nước hồ cạn; thanh niên bản đổ về các khu công nghiệp ở thành phố tìm kế sinh nhai. Chủ homestay Quang Thọ ở xóm Ðá Bia-anh Lò Văn Thích và chị Ðinh Thị Nhiệu-không giấu được nỗi buồn: Nếu không vướng dịch, cuối tuần ở đây thường kín du khách. Họ quây quần bên bếp lửa ngoài trời và say theo những lời ca, điệu múa sênh tiền do phụ nữ bản Ðá Bia tự dàn dựng biểu diễn… Mất một thời gian dài, mọi thứ đều như ngừng lại, chờ du lịch hồi phục. Với tinh thần đoàn kết, người dân các xóm du lịch cộng đồng ven hồ đã chung tay, từng bước khắc phục khó khăn trước mắt. Nhà sàn xuống cấp, cả xóm sửa chữa, lợp mới; nước hồ cạn, cá lồng bị đe dọa, bà con phối hợp huyện và tỉnh đưa ra phương án tiêu thụ.
Tháng 7/2021, xã Tiền Phong đã xuất ra thị trường được hơn bốn tấn cá. Cách ứng phó tinh tế, linh hoạt từ nhiều năm xây dựng gian hàng “tự giác” được phát huy. Bà con chủ động chế biến cá thành nhiều món đặc sản, như: Cá ốt đồ, cá nướng mắc khén… quảng bá, rao bán rộng rãi trên mạng xã hội và các ứng dụng bán hàng. Cứ như vậy, gian hàng đặc sắc của người Mường tỏa khắp muôn nơi, chính ở giai đoạn chật vật nhất.
Giờ đây, cuộc sống trở lại nhịp “bình thường mới”, người dân vừa lao động sản xuất, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Phụ nữ các đội văn nghệ thôn bản cùng ôn luyện lại những bài hát, điệu múa đặc trưng; nhóm ẩm thực thi nấu các món ăn và thử nghiệm độ hấp dẫn bằng chính việc tiêu thụ ở gian hàng tự giác. Bên cạnh đó, các lớp học tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, quảng bá du lịch… cũng thường xuyên được tổ chức. Thời điểm này, những xóm nhỏ như Ðá Bia tiếp tục bổ sung thêm nhiều đầu sách mới cho thư viện cộng đồng. Thư viện xóm được thiết kế với mô hình nhà sàn gần gũi, cảnh quan bắt mắt, có vườn hoa, không gian sáng tạo cho trẻ em.
Linh hoạt trong tình hình mới
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, Bùi Xuân Trường cho biết, trước khi có đại dịch Covid-19, du lịch Hòa Bình phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm. Năm 2019 đạt số thu cao nhất, đón khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng. Song song phát triển du lịch, văn hóa cơ sở được nâng cao chất lượng với hơn 1.482 đội văn nghệ quần chúng, nhiều câu lạc bộ văn hóa thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia…
Nhưng từ đầu năm 2020, ngành du lịch Hòa Bình chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và hầu hết hoạt động bị ngừng. Từ tháng 10/2021, tỉnh mới cho phép khởi động du lịch trở lại, đây là nỗ lực lớn của chính quyền, địa phương. Và từ tháng 11, du khách đã bắt đầu trở lại vùng lòng hồ Hòa Bình, đến với các bản du lịch cộng đồng Ðá Bia, bản Ngòi… để trải nghiệm bản sắc đặc trưng xứ Mường.
Chia sẻ về giải pháp phòng, chống dịch và phát triển du lịch ở giai đoạn này, ông Bùi Xuân Trường cho biết, địa phương đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực, chuỗi cung ứng dịch vụ bị đứt gãy, khách phân tán… cho nên địa phương kết hợp vừa nâng cao công tác phòng, chống dịch, vừa mở cửa từng phần, xác định thị trường nội địa là chủ yếu. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động phục vụ du lịch, hiện nay gần phủ hết; tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch theo chỉ đạo của Chính phủ như giảm tiền điện, cho vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch. Xác định du lịch cộng đồng là thế mạnh, các huyện như Mai Châu, Ðà Bắc, Tân Lạc, một số điểm ven hồ… gắn mô hình này với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện hạ tầng. Ngành du lịch Hòa Bình cũng thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát du khách: Thành lập nhiều tổ phòng, chống Covid-19 tại cơ sở; mở cửa trên cơ sở chọn lọc, an toàn; không tiếp nhận du khách đến từ vùng nguy cơ cao; tăng tính hiệu quả trong hoạt động khai báo và chủ động kiểm soát.
Ngoài nguồn lực từ địa phương, các thôn bản làm du lịch cộng đồng cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều dự án, tổ chức đang hoạt động trên địa bàn. Thí dụ, Dự án Du lịch cộng đồng Ðà Bắc được tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam triển khai đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, phụ nữ. Thời điểm người dân chịu thiệt hại kinh tế do mực nước hồ cạn, Ban Quản lý dự án AOP tại huyện Ðà Bắc đã linh hoạt tìm nguồn tiêu thụ cá, hỗ trợ phí vận chuyển.
Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour chia sẻ, các công ty lữ hành khai thác tiềm năng du lịch Hòa Bình không chỉ ở loại hình nghỉ dưỡng, tâm linh… mà gần đây còn có tua thể thao. Với tình hình hiện nay, việc tổ chức tua gặp nhiều khó khăn, nhiều kế hoạch phải hoãn, hủy. Ðể khắc phục, các công ty du lịch thường thiết kế tua với tiêu chí an toàn, độc đáo, phục vụ nhóm nhỏ, như các dạng tua: Xe đạp, caravan, chụp ảnh… đồng thời mở thêm dịch vụ media, cung cấp trọn vẹn dịch vụ quảng bá, xây dựng hình ảnh cho du khách.
Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Ðề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và chỉ đạo quy hoạch phát triển kinh tế du lịch. Sản phẩm du lịch chủ đạo tập trung vào các loại hình: Sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh và thể thao mạo hiểm. Lĩnh vực thể thao được tập trung khai thác ở khu vực hồ Hòa Bình với các hoạt động: Ðua thuyền, dù lượn, golf và có thể là sân khấu thực cảnh. Hòa Bình cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức giải Marathon nhằm mục đích quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình, gắn văn hóa, thể thao, du lịch thành chuỗi hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh những điểm sáng về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa du lịch, xứ Mường vẫn tồn tại khó khăn, như: Công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế; chất lượng phong trào chưa đồng đều, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn; công tác quảng bá, thu hút đầu tư phát triển đã được tăng cường nhưng chưa tương xứng tiềm năng; thiếu cán bộ quản lý đúng chuyên môn, chuyên ngành. Ở giai đoạn du lịch khởi động trở lại, Hòa Bình là một trong những điểm đến được mong chờ sẽ có thêm nhiều nét đổi thay, bồi đắp thêm ấn tượng cho du khách về miền non nước xứ Mường hiếu khách và giàu bản sắc.